Joe Biden, tên đầy đủ Joseph Robinette Biden, sinh ngày 20/11/1942 tại Scranton, Pennsylvania, lớn lên tại hạt New Castle, bang Delaware. Ông là phó tổng thống Mỹ từ năm 2009 đến 2017, dưới chính quyền đảng Dân chủ của tổng thống Barack Obama. Nay, ông là ứng viên tranh cử tổng thống đại diện đảng Dân chủ, đối đầu với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Biden nhận bằng cử nhân từ Đại học Delaware vào năm 1965 và bằng luật tại Đại học Syracuse, New York, vào năm 1968. Ông kết hôn với người vợ đầu, Neilia Hunter, vào năm 1966. Hai người có ba con.
Sau khi tốt nghiệp trường luật, Biden trở về Delaware hành nghề luật sư nhưng nhanh chóng chuyển sang con đường chính trị, phục vụ trong hội đồng hạt New Castle từ năm 1970 đến 1972. Ông được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1972, trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi thứ 5 trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi Biden đắc cử ghế thượng nghị sĩ, vợ và con gái mới sinh của ông bất ngờ thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi, hai con trai ông cũng bị thương nặng. Dù ông dự tính tạm dừng sự nghiệp chính trị, Biden vẫn bị thuyết phục gia nhập Thượng viện vào năm 1973 và tiếp tục tái đắc cử 6 lần, trở thành thượng nghị sĩ tại nhiệm lâu nhất của Delaware.
Năm 1977, ông tái hôn với Jill Jacobs, một nhà giáo dục. Hai người có một con gái. Ngoài cương vị thượng nghị sĩ Mỹ, Biden còn làm giáo sư trợ giảng tại Đại học Wilmington ở Delaware, chi nhánh của Trường Luật Đại học Widener.
Khi còn là thượng nghị sĩ, Biden tập trung vào các vấn đề như quan hệ đối ngoại, tư pháp hình sự và chính sách chống ma túy. Ông là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, hai lần làm chủ tịch hội đồng (giai đoạn 2001 - 2003 và 2007 - 2009). Biden cũng có chân trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, làm chủ tịch ủy ban từ năm 1987 đến 1995.
Ông đồng thời là thành viên Tổ chức Kiểm soát Ma Túy Quốc tế và là thượng nghị sĩ đi đầu trong nỗ lực đề xuất thành lập văn phòng chuyên giám sát các chính sách kiểm soát ma túy quốc gia.
Chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của Biden năm 1988 khởi đầu đầy hứa hẹn. Ông là gương mặt mới, ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ và nhận được rất nhiều tín nhiệm. Điển hình, trong cuộc bầu cử năm 1984, dù không tranh cử tổng thống, tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ, ông vẫn giành được một phiếu bầu từ đại biểu.
20 năm sau chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, Biden bắt đầu lại lần thứ hai vào năm 2008 với nhiều kinh nghiệm và vị thế vững vàng hơn. Tuy nhiên, ông từ bỏ sau màn thể hiện tồi tệ ở Iowa, không thể cạnh tranh với sức ảnh hưởng quá lớn từ Barack Obama và Hillary Clinton.
Sau khi Obama thu thập đủ số phiếu đại biểu, bảo vệ thành công vị trí đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, ông đã chọn Biden làm ứng viên phó tổng thống.
Ngày 4/11, Liên danh Obama - Biden đánh bại John McCain và phó tướng Sarah Palin trong cuộc bầu cử tổng thống. Biden cũng dễ dàng tái đắc cử ghế thượng nghị sĩ. Ông từ chức tại Thượng viện không lâu trước khi tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống vào ngày 20/1/2009.
Tháng 11/2012, Obama và Biden tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, đánh bại hai ứng viên đảng Cộng hòa là Mitt Romney và Paul Ryan.
Trên cương vị phó tổng thống, Biden đóng một vai trò tích cực trong chính quyền, là một cố vấn có ảnh hưởng đối với tổng thống Obama và ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của ông chủ Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, ông cũng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Biden đã giúp ngăn chặn một số cuộc khủng hoảng ngân sách và đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình chính sách của Mỹ tại Iraq. Ông đề xuất một kế hoạch phân vùng nhằm duy trì tình trạng thống nhất và hòa bình cho nước này.
Năm 2015, người con trai cả của Biden là Beau qua đời vì ung thư não. Vài tháng sau, Biden, người giành được tín nhiệm cao, một phần do thái độ chân thành, niềm nở đã gây tiếng vang trong công chúng, tuyên bố ông sẽ không tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 với lý do gia đình vẫn còn đau buồn trước cái chết của Beau. Thay vào đó, ông vận động cho cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, người cuối cùng thua cuộc trước Donald Trump.
Mối quan hệ thân thiết giữa Biden và Obama được thể hiện rõ ràng khi Obama gây bất ngờ bằng việc trao cho Biden Huân chương Tự do Tổng thống vào ngày 12/1/2017, chỉ vài ngày trước thời điểm cả hai rời nhiệm sở. Trong lễ trao huân chương, Obama nhắc đến Biden là "người anh em" của mình.
Từ đó, Biden vẫn tham gia hoạt động chính trị, là một tiếng nói chỉ trích gay gắt Tổng thống Donald Trump. Bản thân Biden cũng từng gặp bê bối vào năm, 2019 khi nhiều phụ nữ cáo buộc ông có hành vi tiếp xúc cơ thể không phù hợp với họ, như ôm hay hôn.
Biden phủ nhận có hành vi sai trái, khẳng định ông "không bao giờ cố tình thiếu tôn trọng bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào". Sau bê bối, tín nhiệm của ông vẫn giữ ở mức cao.
Khi những đồn đoán về khả năng ông tranh cử tổng thống năm 2020 xuất hiện ngày càng nhiều, Biden hồi tháng 4 năm ngoái tuyên bố ra tranh cử và tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra tháng trước, ông chính thức nhận đề cử của đảng, đồng thời chọn Thượng nghị sĩ từ California Kamala Harris làm ứng viên phó tổng thống của mình. Bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên, người đầu tiên tốt nghiệp một trường đại học dành cho người da màu và người California đầu tiên kể từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan có tên trên lá phiếu bầu cử vào tháng 11 với tư cách ứng viên phó tổng thống của một đảng lớn tại Mỹ.
Giữa lúc Covid-19 đang gây chao đảo nước Mỹ, những quyết sách ứng phó đại dịch được cho là sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng đắc cử của các ứng viên tổng thống.
Cách tiếp cận của Biden là cung cấp xét nghiệm nCoV miễn phí và thuê 100.000 người để thiết lập một chương trình truy vết nguồn lây xuyên quốc gia.
Biden nói ông muốn thành lập ít nhất 10 trung tâm xét nghiệm ở mỗi bang, kêu gọi các cơ quan liên bang triển khai nguồn lực và đưa ra các hướng dẫn phòng dịch cụ thể, chắc chắn hơn thông qua tham vấn chuyên gia. Theo ông, tất cả các thống đốc bang đều nên bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Nhằm giải quyết những tác động tức thời của cuộc khủng hoảng Covid-19, Biden tuyên bố sẽ làm mọi cách để mở rộng khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và tăng những khoản thanh toán trực tiếp cho các hộ gia đình.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là tăng thêm 200 USD thanh toán An sinh Xã hội cho người dân mỗi tháng
Các chính sách kinh tế rộng hơn của Biden, được gọi là kế hoạch "Xây dựng lại Tốt hơn", hướng tới làm hài lòng hai khu vực bầu cử có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ là thanh niên và công nhân viên chức.
Ông ủng hộ tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ. Ông cũng muốn đầu tư hai nghìn tỷ USD vào năng lượng xanh với lý do rằng việc thúc đẩy sản xuất xanh sẽ giúp ích rất lớn cho những người thuộc tầng lớp lao động.
Kế hoạch hành động năm 2020 của Biden kêu gọi chính quyền liên bang đầu tư 300 tỷ USD vào phát triển vật liệu, dịch vụ, nghiên cứu và công nghệ do Mỹ sản xuất.
Giữa lúc các cuộc biểu tình sắc tộc đang nổ ra trên khắp nước Mỹ, Biden cho biết ông tin rằng nạn phân biệt chủng tộc luôn tồn tại bên trong đất nước và nó phải được giải quyết thông qua các chương trình kinh tế, xã hội rộng lớn hỗ trợ cộng đồng thiểu số.
Một trụ cột trong chương trình "xây dựng lại" của ông là thiết lập cơ chế hỗ trợ kinh doanh cho các cộng đồng thiểu số thông qua quỹ đầu tư trị giá 30 tỷ USD.
Biden từng nói biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu. Ông tuyên bố sẽ vận động phần còn lại của thế giới hành động tích cực hơn nhằm hạn chế lượng khí thải thông qua việc tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris.
Theo hiệp định này, Mỹ phải cắt giảm lượng khí thải nhà kính tới 28% vào năm 2025, so với mức năm 2005. Tổng thống Trump năm ngoái đã rút Mỹ khỏi hiệp định.
Về đối ngoại, Biden hứa sẽ sửa chữa mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông từng nói rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về môi trường kinh doanh và các hoạt động thương mại không công bằng, nhưng thay vì áp thuế đơn phương, Biden đề xuất thành lập một liên minh quốc tế đủ mạnh để khiến Trung Quốc "không thể phớt lờ". Tuy nhiên, ông chưa làm rõ điều đó có nghĩa là gì.
Biden từng hứa nếu đắc cử, trong 100 ngày đầu tiên, ông sẽ đảo ngược các chính sách của Trump như chia tách những gia đình di cư ở biên giới Mỹ - Mexico, hủy bỏ giới hạn số lượng đơn tị nạn và chấm dứt lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi.
Ông cũng hứa bảo vệ các "Dreamer", những người được đưa phi pháp tới Mỹ khi còn là trẻ con và được phép ở lại theo chính sách thời Obama, đồng thời đảm bảo họ đủ điều kiện nhận viện trợ sinh viên liên bang.
Cuộc khủng hoảng hiện nay của nước Mỹ với bóng ma Covid-19 và suy thoái kinh tế bao trùm, che mờ mọi triển vọng phát triển được đánh giá là thách thức mà chưa tổng thống Mỹ nào phải đối mặt trong thời hiện đại. Trước bối cảnh đó, "Biden sẽ nhấn mạnh kinh nghiệm lâu năm trong chính phủ, tìm cách thể hiện mình sẽ là một lãnh đạo vững vàng, dày dạn trong một thế giới nguy hiểm và khó đoán", Katie Glueck, ký giả của NYTimes, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Britannica, BBC)