Sân bay Quảng Trị được đầu tư hơn 5.820 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến khởi công vào tháng 4. Vị trí xây dựng tại 3 xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, thuộc huyện Gio Linh, với diện tích 265 ha.
Theo quy hoạch, sân bay được xây dựng quy mô dân sự cấp 4C và quân sự cấp II, công suất một triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Sau khi hoàn thành, nơi này sẽ khai thác các loại máy bay như Airbus A321 hoặc tương đương, có khả năng đỗ Boeing 787, Airbus A350.
Dự kiến sân bay Quảng Trị sẽ chia làm hai giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 xây dựng công trình cơ bản đạt công suất 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046. Vốn đầu tư giai đoạn này hơn 2.910 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động 2.680 tỷ, vốn ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 230 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ xây dựng hạ tầng khu phục vụ mặt đất vào năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách. Vốn đầu tư giai đoạn này gần 2.910 tỷ đồng.
Dự án sân bay Quảng Trị được xác định sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ cũng như trong cứu hộ, cứu nạn và quốc phòng - an ninh của khu vực Trung Bộ.
Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư mới với tổng vốn 10.990 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong 37 tháng.
Nhà ga T3 sẽ xây theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 20 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác nội địa nhằm giảm tải cho nhà ga T1, phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, doanh nghiệp đang chờ bàn giao đất từ các cơ quan có thẩm quyền để có thể khởi công dự án trong năm nay.
Sân bay Điện Biên được khởi công xây dựng mở rộng vào cuối tháng 1. Dự án gồm mở rộng đường băng 35-17 kích thước 2.400x45 m trên nền đường băng hiện tại, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.
Nhà ga gồm hai tầng, trong đó tầng 1 là khu vực hành khách đi và đến; tầng 2 là phòng chờ, phòng khách thương gia, dịch vụ thương mại và phụ trợ. Nhà ga được nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 hành khách mỗi năm.
Dự án có tổng đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, việc mở rộng sân bay sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch, thương mại, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, giá trị của quần thể di tích Điện Biên Phủ.
Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, giữ vị trí xung yếu đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc, phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Sân bay vốn được người Pháp xây dựng, sau năm 1954 phục vụ cả dân sự và quân sự.
Sân bay Côn Đảo đã được điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 với công suất 2 triệu hành khách, 4.400 tấn hàng hóa mỗi năm, có thể khai thác máy bay code C (Airbus A320, A321) hoặc tương đương, 8 vị trí đỗ máy bay.
Để phục vụ các máy bay lớn, đường cất hạ cánh sẽ được nâng cấp và mở rộng đạt 1.830x45 m, lề mỗi bên rộng 7,5 m; xây 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ. Đài kiểm soát không lưu được xây mới ở phía đông nhà ga hành khách.
Lãnh đạo ACV cho biết đã lập dự án chuẩn bị đầu tư mở rộng sân bay Côn Đảo với công suất 2 triệu khách mỗi năm, chi phí 2.300 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm nay.
Sân bay Côn Đảo hiện có công suất thiết kế 500.000 hành khách mỗi năm, những năm gần đây đã tăng trưởng hơn 20%. Năm 2020, sân bay vận chuyển 447.750 khách, tăng 4% so với năm 2019, dù dịch bệnh phức tạp.
Hiện sân bay Côn Đảo chỉ có thể khai thác máy bay loại nhỏ như ATR-72 và tương đương nên hạn chế khách du lịch, giá vé luôn cao.
Nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới, Quảng Bình, đã được Chính phủ yêu cầu ACV khởi công trong năm nay, điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế để khai thác di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình. Trường hợp ACV không có khả năng khởi công, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Trước đó, ACV đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư nhà ga hành khách T2 có công suất 3 triệu hành khách/năm trên diện tích 1,1 ha, cùng với sân đỗ ôtô, công trình phụ trợ rộng 19 ha, tổng đầu tư hơn 1.220 tỷ đồng bằng vốn doanh nghiệp.
Nhà ga hành khách sân bay Đồng Hới hiện có công suất thiết kế 500.000 khách mỗi năm, năm 2019 khai thác hơn 539.000 khách. Năm 2020, dù ảnh hưởng của Covid-19, sản lượng hành khách vẫn đạt trên 487.000.