Ngày 20/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cơ quan này đang lấy ý kiến vào Đề án định hướng huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; trong đó đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành ba nhóm.
Nhóm một, các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng, gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành. Đối với các sân bay này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục sở hữu, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.
Nhóm hai, các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng, gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Tương tự nhóm một, các sân bay này do Nhà nước sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.

Sân bay Côn Đảo trong nhóm dự kiến giao cho địa phương quản lý. Ảnh: Tiểu Long
Nhóm ba, các cảng hàng không còn lại, gồm Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các sân bay trên được đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh quản lý, thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không. Qua đó phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương để đầu tư phát triển sân bay.
Hiện nay nhà ga và các công trình phụ trợ tại 21 cảng hàng không trong cả nước do ACV quản lý; khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn do Bộ Giao thông Vận tải sở hữu; ACV quản lý, khai thác.
Hiện việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không tại nhóm ba chưa được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trước mắt thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng; sau này sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định, áp dụng với các sân bay còn lại.
Về nguồn lực đầu tư sân bay, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị không huy động vốn xã hội vào các công trình thiết yếu tại sân bay nhóm một và nhóm hai.
Với nhóm ba, ngoài nguồn lực địa phương, Bộ đề nghị huy động nguồn vốn xã hội theo hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác. Với các cảng hàng không mới nằm trong quy hoạch như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu sẽ huy động nguồn vốn xã hội theo phương thức PPP.
Theo Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng, quan điểm của đề án là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giữ quyền đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay...
Bộ Giao thông Vận tải vẫn quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với lĩnh vực hàng không; chính quyền địa phương phát huy quyền tự chủ, chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển sân bay trên địa bàn.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết ủng hộ đề án của Bộ Giao thông Vận tải. Dù vậy, ông đề nghị cần làm rõ hơn nội dung phân cấp. "Chẳng hạn với việc kêu gọi đầu tư cần phân cấp những gì, cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền trong kêu gọi đầu tư", ông nói.