Bác sĩ Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng bệnh zona thần kinh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Ban đầu, virus gây bệnh thủy đậu, sau đó có thể tồn tại và "ngủ đông" trong rễ hạch thần kinh, tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể... Dưới đây là những nhóm nguy cơ cao mắc bệnh, cần có biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Trên 50 tuổi
Sau 50 tuổi, cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa, chức năng và hệ thống đa cơ quan suy yếu. Các bệnh nền có thể xuất hiện như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường...
Theo CDC Mỹ, cứ ba người cao tuổi, một người sẽ mắc bệnh này, nguy cơ mắc tăng cao theo độ tuổi. Hầu hết mắc zona một lần, song bệnh có thể tái phát. Người trên 50 tuổi nguy cơ đau sau zona cao hơn gấp 15-25 lần so với người dưới 30 tuổi.
Ở người cao tuổi triệu chứng đau thường dữ dội và kéo dài lâu hơn so với người trẻ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm gan, liệt mặt, loét giác mạc, gây mù lòa, điếc, đau dây thần kinh sau zona. Trong đó, đau dây thần kinh có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sau khi vùng da zona đã lành. Như trường hợp cụ ông (73 tuổi, Hà Nội), hồi tháng 4 mắc zona thần kinh gây suy giảm miễn dịch, dẫn đến méo miệng, liệt hầu họng và dây thanh bên trái, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Có bệnh nền hoặc từng mắc thủy đậu
Những người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ mắc zona thần kinh cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Như người tiểu đường type 2 nguy cơ mắc zona gần gấp đôi người bình thường, bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ mắc zona lên đến 34%. Các bệnh lý này làm suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại sự tái hoạt động của virus.
Ngoài ra, tiểu đường và các bệnh lý tim mạch còn làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, góp phần tăng nguy cơ phát triển các biến chứng từ zona như đau thần kinh, đợt cấp của bệnh nền và các biến chứng khác.
Ví dụ những bệnh nhân mắc COPD có nguy cơ trải qua các đợt khó thở cấp tăng gấp 40 lần so với người mắc COPD nhưng không bị zona. Tương tự, bệnh nhân tim mạch có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và đột quỵ khi mắc zona.
Người từng mắc thủy đậu đều có nguy cơ mắc zona thần kinh do virus VZV tái hoạt động tại rễ hạch thần kinh nhiều năm sau khi khỏi bệnh.
Nhiễm HIV
HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt tế bào lympho T, khiến cơ thể khó kiểm soát và ức chế virus VZV. Từ đó, bệnh zona có thể xảy ra sớm hơn, trên người trẻ tuổi.
Ở những người nhiễm HIV/AIDS, zona có thể gây các tổn thương da do mụn nước, lan rộng khắp cơ thể dẫn đến loét hoại tử khó lành và tái phát nhiều lần. Đã có trường hợp bệnh nhân AIDS bị zona ở cả hai mắt, gây ra nguy cơ biến chứng nghiêm trọng đến thị lực và thần kinh.
Thường xuyên căng thẳng
Những người thường xuyên gặp căng thẳng tâm lý có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh cao hơn bình thường. Khi căng thẳng, cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol, dẫn đến ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, khiến việc chống lại virus khó khăn hơn.
Ngoài ra, căng thẳng kết hợp với các yếu tố như tuổi tác, chế độ ăn uống không lành mạnh, giấc ngủ không đủ và kém chất lượng cũng gây suy yếu hệ miễn dịch, làm cơ thể khó kiểm soát virus varicella-zoster (VZV) tiềm ẩn. Người bị căng thẳng thường có nguy cơ bị đau dữ dội và kéo dài tình trạng đau dây thần kinh sau zona dù đã khỏi phát ban.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng zona hiệu quả nhất hiện nay. Hiện Việt Nam có vaccine zona thần kinh Shingrix do hãng dược GSK sản xuất, hiệu quả 97% ở nhóm từ 50 tuổi và đạt 70-87% ở nhóm từ 18 tuổi bị suy giảm hoặc ức chế miễn dịch hay có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý, phương pháp điều trị.
Đối với nhóm từ 50 tuổi trở lên, phác đồ tiêm gồm hai mũi cách nhau hai tháng. Nhóm từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Xuân Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.