"Du học là một trải nghiệm không thể cân, đong, đo, đếm theo kiểu đầu tư thông thường được. 4-5 năm du học (ở những nước phát triển) khi bạn đang là thanh niên đầy nhiệt huyết sẽ mang lại rất nhiều thứ mà không tiền bạc nào có thể mua được. Thứ quan trọng nhất mà bạn nhận được là nhận thức. Khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhận thức của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Các thang giá trị hay tiêu chuẩn cũng thay đổi theo.
Bản thân tôi có thể khẳng định những trải nghiệm của 5 năm du học còn đọng lại đến nay lớn hơn rất nhiều mấy chục năm khi tôi còn học trong nước. Tuy nhiên, chuyện có nên đi du học hay không còn cần cân nhắc ở nhiều khía cạnh, nhất là điều kiện kinh tế của gia đình và tố chất của bản thân. Du học rất vất vả là điều không thể khác. Nếu chỉ muốn có kiến thức để kiếm sống thì bạn có thể học được ở nhiều nơi, ngay cả trên mạng, mà chẳng cần đi đâu cả".
Đó là quan điểm của độc giả Minhkinhnguyen xung quanh câu chuyện về giá trị của việc du học được tác giả Richter đặt ra trong bài viết "Lãng phí 800 triệu đồng du học Anh". Câu hỏi "du học để làm gì?", "ai nên đi du học?", "du học về nước có phải đầu tư lỗ?"... từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh luận trái chiều. Chuyện du học sinh trở về nước tìm việc sau khi đầu tư một số tiền lớn đến ra nước ngoài học tập không phải hiếm ở Việt Nam. Nhưng liệu điều đó có phải một sai lầm của người đi du học?
Nhấn mạnh giá trị của du học, bạn đọc Phongnyk bình luận: "Đầu tư là mang trong mình một kỳ vọng, đầu tư càng nghiêm túc thì càng có khả năng thành công. Đầu tư kiến thức cũng là một loại kỳ vọng mà người đi du học đầu tư vào kiến thức mới, rộng mở hơn, tiến bộ hơn... nhằm tạo cho mình một vị trí cao hơn về mặc kiến thức.
Đương nhiên, kỳ vọng đó muốn thành công, thì người đi du học phải chọn đúng môi trường, đúng chuyên môn sở trường và học hành nghiêm túc. Không có chuyện cứ đi du học là sẽ có kiến thức cao hơn người học trong nước, nhưng bạn sẽ không thể giỏi hơn người ở các nước phát triển nếu không đi du học, trừ trường hợp bạn là thần đồng".
>> 10 năm chi tiền cho con du học vẫn không thể định cư ở Mỹ
Đồng quan điểm về những giá trị vô hình mà du học mang lại, độc giả Homthu phân tích: "Du học trước hết là để tiếp thu kiến thức mà các cơ sở trong nước không thể cung cấp (hoặc cung cấp với chất lượng thấp hơn), có được những trải nghiệm văn hóa, lối sống, thích nghi với môi trường sống tự lập, giúp bạn trưởng thành hơn... Ngay cả với mục đích học ngoại ngữ thì du học cũng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với người tham gia các lớp học ở trung tâm trong nước.
Tôi từng đi du học, và thấy rằng chỉ khoảng 25% du học sinh quyết định ở lại định cư hoặc chưa chịu về nước, phần lớn là ở Bắc Mỹ - nơi có thu nhập tốt hơn. Cá nhân tôi rất mê những giá trị của các nước châu Âu và vẫn thường xuyên qua đó. Nếu ở lại cũng không phải là tôi không có cơ hội nghề nghiệp, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn phải về.
Tôi thấy đa số du học sinh, mục đích chính của du học là để học hỏi cái mới chứ không phải để ở lại kiếm việc. Chi phí du học bây giờ cũng không phải là lớn tới mức buộc bạn phải ở lại kiếm sống".
Ai là người nên đi du học? Bạn đọc FunnyGame nhận định: "Đã đi ra nước ngoài du học là người ta phải suy tính về việc bỏ tiền ra để mua một cơ hội, một trải nghiệm về cuộc sống. Còn bản thân chỉ suy nghĩ ở mức đi học xong về nước làm việc làng nhàng thì rõ ràng là không nên đi. Với các cha mẹ giàu có, tiền bạc không phải vấn đề lớn. Mục đích của họ khi cho con đi du học chắc chắn cao hơn việc học xong lại về làm việc làng nhàng. Còn trường hợp nhà nghèo, học trung bình mà vẫn bắt cha mẹ phải đi vay tiền cho mình du học thì tôi chưa thấy.
Chốt lại, dám thử sức và thử thách bản thân ở môi trường nước ngoài, bạn sẽ có cơ hội thành công vượt bậc (đương nhiên cũng sẽ có nhiều người thất bại). Còn nếu xác định sống an yên thì bạn cứ học trong nước rồi đi làm như bình thường. Người đi du học (nếu nghiêm túc) thì xác suất có thể làm việc, định cư ở nước ngoài nhiều hơn đáng kể so với việc xuất phát bằng con đường học tập trong nước. Mục tiêu cao nhất của du học là học tập và sống trong môi trường phát triển hơn. Còn nếu bạn không coi đó là mục tiêu của mình thì không việc gì phải dấn thân cả".
>> Chia sẻ câu chuyện du học của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.