Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, Tết là thời điểm chuyển mùa đông xuân, lạnh sang nóng, khô hanh sang nồm ẩm làm niêm mạc đường hô hấp trở nên khô hơn. Do đó hiệu quả cản trở virus, vi khuẩn xâm nhập giảm xuống. Thời tiết lạnh cũng tác động khiến tế bào lông mất tính uyển chuyển, khó thực hiện nhiệm vụ tống xuất mầm bệnh ra ngoài thông qua phản xạ ho.
Mùa đông xuân có điều kiện môi trường thuận lợi cho nhiều virus, vi khuẩn phát triển và lây lan như viêm phổi, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu... Trong khi đó, mỗi dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người tăng cao, càng tạo cơ hội để nhiều dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Chính, Tết cổ truyền là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Tuy nhiên, để có thể tận hưởng trọn vẹn ngày Tết, mọi người nên ghi nhớ lưu ý quan trọng dưới đây để có sức khỏe tốt, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền, thai phụ...
Tiêm vaccine
Bác sĩ Chính cho biết Tết là thời điểm "đến hẹn lại lên", các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi, sởi, Covid-19... thường diễn biến phức tạp. Năm nay, với sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới có khả năng lây lan nhanh và đồng nhiễm với các tác nhân khác gây bệnh nặng, người dân vui chơi Tết nên chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Trong đó, mọi người nên tiêm chủng đầy đủ các vaccine hiện có theo khuyến cáo của Bộ Y tế như cúm, phế cầu khuẩn, ho gà, thủy đậu, sởi-quai bị-rubella, thương hàn... Việc tiêm các vaccine hô hấp như cúm, phế cầu khuẩn, ho gà còn có khả năng tạo bảo vệ chéo, giảm nguy cơ mắc Covid-19 và nhập viện.
Dinh dưỡng hợp lý
Tết không chỉ là dịp đoàn viên cùng đình mà còn là dịp gặp gỡ bạn bè, tham gia các bữa tiệc. Tuy nhiên, các món ăn ngày Tết thường được chiên, xào, chứa nhiều dầu mỡ và dùng kèm đồ uống có cồn/ga... có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, hoặc mắc các bệnh tiêu hóa như tả, thương hàn, viêm gan A, tiêu chảy...
Để đảm bảo sức khỏe, gia đình nên chuẩn bị mâm cơm hoặc lựa chọn thực phẩm đa dạng, đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Trong đó, mọi người ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bữa ăn nên thêm rau củ và sữa chua, đây là loại men tiêu hóa tự nhiên, thúc đẩy nhu động ruột, hữu hiệu trong phòng tránh đầy bụng, táo bón. Người dân nên uống đủ nước, khoảng 2 - 2,5 lít nước một ngày.
Các món dầu mỡ, có nhiều đường cần hạn chế, không sử dụng hoặc sử dụng tối thiểu chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng... Lý do là các thực phẩm, thức uống này tăng gánh nặng cho gan, dẫn đến mệt mỏi, uể oải. Mọi người đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến.
Duy trì tập thể dục
Mọi người thường cho rằng Tết là dịp để nghỉ ngơi thư giãn sau cả năm làm việc chăm chỉ nên nằm dài cả ngày hoặc dành thời gian cho các hoạt động giải trí. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng. Cơ thể cần vận động, tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, giúp tinh thần và tâm trạng thoải mái, tiêu hao năng lượng dư thừa.
Nếu không có thời gian để tập thể dục, mọi người hãy dành thời gian đi bộ nhiều hơn, có thể hẹn bạn bè cùng đi bộ để nói chuyện và tâm sự, vừa giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, vừa cải thiện tâm trạng.
Giữ ấm
Trong thời tiết lạnh, trẻ em, người già, có bệnh nền là nhóm nguy cơ cao mắc cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi... Do đó, phụ huynh cần ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời. Người lớn khi ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm nên mặc đủ áo, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Lối sống lành mạnh
Thời gian nghỉ Tết thường có các "cuộc vui" thất thường, có thể trái với lịch sinh hoạt hàng ngày. Khi không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi và uể oải.
Mọi người nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm, lý tưởng là 8-9 giờ. Ngủ đủ giấc giúp phục hồi cơ bắp, giúp giảm viêm và cung cấp đủ năng lượng cho ngày hoạt động tiếp theo. Giấc ngủ là một trong những thành phần quan trọng nhất của lối sống lành mạnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh, các thành viên trong gia đình cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mọi người không tắm hoặc ngâm mình quá lâu trong nước nóng; nên dọn dẹp nhà cửa và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng (cốc chén, bát đũa). Ngoài ra, khi có các dấu hiệu bệnh hoặc kéo dài bất thường, người dân không nên tự ý chữa trị, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Mộc Thảo