Theo các hãng dược phẩm, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá thuốc hoặc vaccine, bao gồm thời gian điều chế, năng lực sản xuất, quá trình đệ đơn phê duyệt, nhu cầu y tế, độ hiệu quả và sức cạnh tranh. Một số có mức giá cao hơn còn do quy mô, thời gian nghiên cứu và giá trị đem lại cho cộng đồng.
RSV
Kỷ lục vaccine đắt tiền nhất hiện nay thuộc về mũi tiêm ngừa RSV, có hai loại gồm: Abrysvo do Pfizer (Mỹ) phát triển, Arexvy do hãng GSK (Bỉ) phát triển. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), chi phí một liều Abrysvo từ 227-295 USD, còn giá của Arexvy chưa được công bố. Hiện, Việt Nam chưa có vaccine này.
Giải thích mức giá, các chuyên gia cho biết mũi tiêm ngừa RSV có thời gian nghiên cứu hơn sáu thập kỷ trước khi được phê duyệt. Chi phí cho tiêm chủng cân bằng với chi phí tiết kiệm được từ việc ngăn chặn virus.
CDC Mỹ ước tính khoảng 60.000-160.000 người từ 65 tuổi trở lên phải nhập viện vì RSV hàng năm ở Mỹ, với 6.000-10.000 ca tử vong. Khoảng 58.000-80.000 ca nhập viện, 300 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nguy cơ mắc cao nhất.
Vaccine của GSK dành cho người trên 60 tuổi, giúp giảm 83% bệnh đường hô hấp dưới do RSV và 94% nguy cơ bệnh trở nặng. Vaccine của Pfizer cũng dành cho người cao tuổi, hiệu quả 67% giảm bệnh do RSV có hai triệu chứng nhiễm trùng; hiệu quả 85,7% trong giảm ca bệnh nặng, tối thiểu ba triệu chứng. Abrysvo được cấp phép và khuyến nghị tiêm cho phụ nữ mang thai từ tuần 32-26, truyền kháng thể bảo vệ trẻ sơ sinh.
HPV
Thế giới đang có hai loại ngừa HPV, gồm Gardasil và Gardasil 9 cùng do hãng MSD (Mỹ) sản xuất. Trong đó, Gardasil được phê duyệt tại Mỹ vào tháng 6/2006. Đến tháng 10/2016, Gardasil 9 được FDA phê duyệt. Hiện có hơn 160 quốc gia sử dụng các vaccine này.
Đây là mũi tiêm đầu tiên chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư do HPV cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, mức giá "đắt đỏ" của vaccine khiến nhiều người chưa tiếp cận được. Tại Mỹ, mỗi mũi Gardasil 9 dao động từ 178-287 USD. Tại Việt Nam, Gardasil giá khoảng 1,8 triệu đồng/liều (tiêm đủ 3 mũi trong 6 tháng), còn Gardasil 9 giá khoảng 3 triệu đồng/liều (tiêm 2-3 mũi tùy độ tuổi).
Lý giải về mức giá của HPV, đại diện MSD năm 2017 cho biết Gardasil cần hơn 20 năm để phát triển, sản xuất phức tạp. Hãng còn tính giá dựa trên giá trị mà vaccine sẽ tiết kiệm được cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, sau đó được CDC phê duyệt mức giá. Tuy nhiên, tùy quốc gia mà hãng MSD sẽ cung ứng một mức giá khác nhau, các quốc gia thu nhập thấp hơn sẽ được bán theo hình thức không thu lợi nhuận.
"Chúng tôi đưa ra mức giá dựa trên một số yếu tố, quan trọng nhất là giá trị mà Gardasil mang lại cho các cá nhân và xã hội. Các bệnh liên quan đến HPV tiêu tốn của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước Mỹ khoảng 5 tỷ USD mỗi năm", đại diện hãng nói.
Phế cầu khuẩn
Trên thế giới, vaccine phế cầu đang được sử dụng ở hơn 100 quốc gia, có nhiều loại khác nhau, từ 10 chủng, 13 chủng, 15 chủng, 20 chủng đến 23 chủng huyết thanh. Ở Mỹ, mũi tiêm có mức giá từ 82-222 USD, tùy loại.
Giải thích cho mức giá cao, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiêm chủng giúp tiết kiệm hơn hẳn những liệu trình kéo dài khiến người bệnh tốn kém hàng trăm USD. Tại Việt Nam, ước tính một ca bệnh do phế cầu điều trị có thể lên tới 100 triệu đồng.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lancet, phân tích ở 180 quốc gia, thống kê thế giới có hơn 118 triệu ca tử vong và 457 triệu đợt bệnh do phế cầu khuẩn hàng năm trước khi chủng ngừa. Nhờ có vaccine, 34% số ca tử vong và 12% đợt bệnh trên toàn cầu đã được ngăn ngừa.
Nếu không được tiêm chủng, các bệnh do phế cầu liên quan đến khoảng 137 tỷ USD chi phí hệ thống y tế và 143 tỷ USD chi phí xã hội toàn cầu. Trong khi đó, tổng chi phí tiêm chủng toàn cầu là 155 tỷ USD, tương đương khoảng 137 USD mỗi trẻ. Chi phí mỗi trẻ được tiêm là 541 USD ở Bắc Mỹ, 599 USD ở châu Âu, 104 USD ở châu Á và 52 USD ở châu Phi. Lý do chi phí cao hơn ở châu Âu do giá vaccine cao hơn khi được quy đổi sang mức GDP khu vực.
Tại Việt Nam, vaccine phế cầu có hai loại là Synflorix (Bỉ) và Prevenar 13 (Bỉ), chi phí khoảng 1-1,3 triệu đồng, tiêm chủng dịch vụ, không có trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Trước năm 2019, trong nước có mũi ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ dưới 6 tuổi, trong khi tỷ lệ trẻ từ 6 tuổi trở lên và người lớn có nhu cầu tiêm phòng các bệnh do phế cầu rất lớn. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nền như lao phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... được chỉ định tiêm ngừa phế cầu nhưng không có vaccine. Vào tháng 11 cùng năm, Việt Nam phê duyệt vaccine phế cầu 13, mở ra cơ hội tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn.
Não mô cầu
Vaccine phòng bệnh do não mô cầu khuẩn có nhiều loại khác nhau được phân theo tuýp như: Não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135 với loại Menactra (Sanofi) và Menveo (GSK). Mức giá dao động từ 79-166 USD (theo CDC Mỹ). Loại thứ hai là não mô cầu tuýp B gồm Bexsero (GSK) và Trumenba (Pfizer) với mức giá từ 108-211 USD. Việt Nam phê duyệt Menactra với giá hơn 1,2 triệu đồng.
Viêm màng não do não mô cầu khuẩn là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Với những trường hợp may mắn sống sót, vẫn có 10-20% bệnh nhân đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như điếc, mất chi, tổn thương não.
Bệnh do não mô cầu phổ biến bởi 12 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh gây bệnh chính (chiếm hơn 90%) là A, B, C, Y, X và W. Tuy nhiên, giữa các nhóm huyết thanh này không có phản ứng chéo, mỗi người cần chủng ngừa đầy đủ để phòng bệnh.
Zona thần kinh
Vaccine Shingrix do GSK sản xuất, hiện có giá khoảng 120-183 USD. Đây là mũi tiêm ngừa zona duy nhất được phê duyệt tại Mỹ, người dân nước này được chủng ngừa không mất phí nếu đóng bảo hiểm.
Shingrix được sản xuất theo công nghệ bất hoạt, tái tổ hợp không sử dụng virus sống để thúc đẩy khả năng miễn dịch lâu dài. Vaccine chứa một loại protein từ virus varicella zoster (tác nhân gây zona), nhưng không gây bệnh và vẫn tạo ra phản ứng miễn dịch cao, mạnh và lâu dài.
Năm 2017, vaccine được FDA phê duyệt lần đầu tiên. Đến tháng 10/2021, Shingrix được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Theo các dữ liệu, mũi tiêm tạo miễn dịch bảo vệ người tiêm khỏi bệnh zona tối thiểu 7 năm đầu sau tiêm. Ở người từ 50 tuổi trở lên và người hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hiệu quả thấp nhất là 90%. Hiện, Việt Nam chưa có loại vaccine này.
Mộc Thảo