Chủ nhật, 1/12/2024
Thứ sáu, 22/4/2022, 18:00 (GMT+7)

Trần Nhật Thăng triển lãm tranh trừu tượng

40 tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Trần Nhật Thăng được trưng bày tại triển lãm "Miền không".

Tranh được trưng bày trong không gian nghệ thuật Hakaio - Let's Art ở TP HCM từ ngày 14 đến 30/4. Các tác phẩm theo phong cách trừu tượng, được sáng tác trong thời dịch, khi Trần Nhật Thăng sống tại bản Mường ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Họa sĩ đặt tên triển lãm là "Miền không" thể hiện sự buông bỏ, thư thái. "Tôi sống ở giữa bản làng - nơi có đồi núi, suối, rừng, có nhà sàn, bếp lửa. Con người thân thiện, phong cảnh hữu tình nên tâm hồn cũng thư thái hơn hẳn", anh nói.

Trần Nhật Thăng sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ là con trai của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Anh theo đuổi trường phái hội họa trừu tượng, từng tổ chức 13 triển lãm cá nhân.

Bức "Miền xanh" gồm sáu tấm với kích thước 130x480 cm - là tác phẩm lớn nhất triển lãm.

Tác phẩm "Trừu tượng nâu" với một mảnh vải thổ cẩm ở giữa, xung quanh là vệt màu trộn đất đồi. Họa sĩ cho biết tác phẩm là tấm lòng của anh với đồng bào ở Vân Hồ.

Bức "Miền không 01" được điểm vàng quỳ - chất liệu chuyên dùng trong sơn mài - lên bề mặt tranh.

Bức "Hạnh phúc" khắc họa hình ảnh một gia đình trên bản ở Vân Hồ. Họa sĩ cho biết trong thời gian sống tại đây, anh cảm nhận được sự bình yên, hạnh phúc giản đơn từ những người dân. "Mỗi buổi sáng, tôi được nghe tiếng cười của người già, trẻ nhỏ. Những người hàng xóm tốt bụng thường gọi tôi đến ăn cơm cùng. Tôi biết ơn vì được sống trong sự hồn nhiên, tử tế ấy, đặc biệt là khoảng thời gian dịch bệnh", Trần Nhật Thăng nói.

Bức "Cô đơn" với mảng màu đen làm điểm nhấn. Theo Trần Nhật Thăng, vì là tranh trừu tượng nên cảm hứng đến lúc nào, anh vẽ lúc đó. Có lần, họa sĩ vẽ xuyên đêm được 10 bức.

Tác phẩm "Chân dung một cơn gió". Họa sĩ chủ yếu sử dụng acrylic trên toan, pha trộn một vài chất liệu khác khiến bề mặt tranh không bằng phẳng. "Hội họa hay cuộc đời đều không có sự bằng phẳng", họa sĩ nói.

Nhiều tác phẩm Trần Nhật Thăng không đặt tên, chỉ đánh số. Họa sĩ lý giải: "Tôi không muốn áp người xem vào cảm giác, tên nào đó mà để họ tự cảm nhận và thấu hiểu".

Tác phẩm tông màu xanh trắng kiểu gốm sứ Bleu de Hue.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét những vệt màu như rơi rớt, loang chảy thể hiện sự ngẫu hứng, tự nhiên, "chợt gặp, chợt đến, chợ đi, chợt vui, chợt buồn và chợt yêu".

Bức "Miền không số 11" với chi tiết dát vàng quỳ, tượng trưng cho vệt nắng trên bản làng.

Hoàng Huế (ảnh: Giang Huy)