Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, cúm lây từ người sang người, nguy cơ cao biến chứng ở người lớn từ 65 tuổi, thai phụ, có bệnh hen suyễn, tiểu đường hoặc tim mạch... Dù thông tin về bệnh cúm và vaccine phổ biến, cộng đồng vẫn tồn tại các quan niệm sai, ảnh hưởng tới phòng bệnh. Hiệp hội Phổi Mỹ tổng hợp và nêu ra 5 điều cần biết về bệnh cúm và vaccine như sau:
Cúm nặng hơn cảm lạnh
Thực tế, bệnh cúm do virus cúm gây ra, còn cảm lạnh thông thường có thể do nhiều loại virus khác nhau. Hai bệnh có triệu chứng tương tự, song cúm thường dữ dội và đột ngột hơn. Cảm lạnh thường không biến chứng nghiêm trọng, còn cúm có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc phải nhập viện.
Khi có biểu hiện bệnh, người dân lưu ý không đến nơi đông người, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao như trẻ em, thai phụ, người già. Mọi người hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống giàu dinh dưỡng giúp cơ thể mau khỏi bệnh.
Cúm có thể tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ
Trong mùa cúm 2023-2024 tại Mỹ, số bệnh nhân nhập viện có tình trạng tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm cúm có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trên bệnh nhân.
Tương tự, bệnh nhân hen suyễn và nhiễm cúm có nguy cơ trở nặng, biến chứng cao. Lý do, nhiễm cúm gây sưng thêm đường hô hấp, tăng cơn hen suyễn, có thể dẫn đến viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác.
Nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N1 thấp
Cúm gia cầm A/H5N1 có tỷ lệ thấp lây nhiễm sang người. Nhóm người tiếp xúc động vật nhiễm bệnh hoặc phải xử lý sản phẩm từ động vật, ví dụ thịt gia cầm, xử lý sữa... có nguy cơ nhiễm cao hơn. Vaccine cúm mùa không có tác dụng chống nhiễm cúm gia cầm, song có thể giúp chống bội nhiễm và nguy cơ mắc cúm đồng thời.
Vaccine không gây nhiễm cúm
Vaccine cúm được bào chế từ virus bất hoạt hoặc từ một loại protein của mầm bệnh. Vì vậy, vaccine không thể gây bệnh. Đối với vaccine dạng xịt chứa virus sống, mầm bệnh đã được làm suy yếu, do đó cũng không thể gây bệnh cho người.
Cần chủng ngừa hàng năm
Vaccine cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ từ 70 đến 90%. Ở những người cao tuổi, vaccine cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và giảm 70 đến 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người từ 6 tháng tuổi nên chủng ngừa cúm hàng năm. Virus cúm liên tục thay đổi, còn miễn dịch do vaccine tạo ra giảm dần theo thời gian. Người dân nên chủng ngừa cúm hàng năm để cập nhật miễn dịch với chủng virus mới, củng cố miễn dịch đang giảm dần.
Phụ nữ mang thai tiêm ngừa cúm vào ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ, nhằm giúp bảo vệ mẹ và truyền kháng thể sang thai nhi, bảo vệ trẻ sơ sinh đến khi đủ tuổi tiêm ngừa.
Chi Lê
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.