Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trước tình hình số ca cúm gia tăng, người dân đã chủ động tìm hiểu và tiêm vaccine cúm để bảo vệ sức khỏe. Trong quá trình tiêm, một số thắc mắc dưới đây thường được người dân đưa ra về vaccine cúm:
Ai cần tiêm cúm, lịch tiêm thế nào?
Theo bác sĩ Tấn, cúm lây truyền từ người sang người thông qua các giọt nước bọt nhỏ hoặc dịch tiết mũi họng do ho, hắt hơi, khạc nhổ... Virus lây lan nhanh, số ca nhiễm lớn. Trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc cúm, có nguy cơ lây lan cho cộng đồng, những người chưa được tiêm vaccine như trẻ sơ sinh, mắc bệnh lý cấp tính chưa tiêm được vaccine.
Vì vậy, mọi người cần tiêm phòng cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, lây lan cho những người xung quanh. Vaccine hiện được chỉ định cho trẻ em từ 6 tháng và người lớn, phòng 4 chủng virus cúm phổ biến A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Vaccine bất hoạt nên an toàn cho thai phụ và phụ nữ cho con bú.
![Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc cúm và tăng nguy cơ biến chứng, cần tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: Vecteezy](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/thai-phu-mac-cum-de-gap-bien-c-3141-4244-1739430118.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LMRJ3fmEOgpSvUi5TSY0lA)
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc cúm và tăng nguy cơ biến chứng, cần tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: Vecteezy
Có mấy loại vaccine cúm, tiêm khác loại được không?
Hiện Việt Nam có các loại vaccine phòng cúm từ Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc và Việt Nam phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Các loại vaccine đều được nghiên cứu tính an toàn, chứng minh hiệu quả phòng bệnh và được cấp phép trước khi đưa ra thị trường. WHO khuyến cáo vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.
Các vaccine phòng cúm thay thế cho nhau được mà vẫn đảm bảo an toàn, phát huy miễn dịch phòng bệnh. Ví dụ năm trước bạn tiêm vaccine cúm của Hà Lan thì năm nay vẫn tiêm được vaccine của Pháp, Hàn Quốc hoặc Việt Nam.
Vaccine cần khoảng 2-3 tuần mới sinh đầy đủ kháng thể phòng bệnh. Vì vậy người dân không nên đợi dịch bệnh hoặc có tâm lý chọn lựa vaccine, bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh sớm.
Vaccine cúm có cần tiêm nhắc không?
Mỗi loại vaccine có khoảng cách lịch tiêm khác nhau nhằm đảm bảo an toàn, cho hiệu quả miễn dịch phòng bệnh tối ưu. Theo thông tin kê toa, vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm một mũi do cấu trúc kháng nguyên của virus cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vaccine giảm dần theo thời gian. Vaccine cúm được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Khỏi cúm bao lâu thì được tiêm vaccine?
Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền có thể diễn tiến nặng, lâu khỏi hơn khi nhiễm cúm.
Bạn nên tiêm cúm ngay sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, sức khỏe ổn định để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Việc tiêm lúc khỏe mạnh giúp tránh nhầm lẫn triệu chứng cúm với các phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, mệt mỏi, dễ theo dõi sau chủng ngừa.
![Vaccine cúm được khuyến cáo tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền. Ảnh: Bình An](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/nguoi-cao-tuoi-tiem-vaccine-ta-9382-6265-1739430118.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rugBPAWj8sI0MRRxT0EDUw)
Vaccine cúm được khuyến cáo tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền. Ảnh: Bình An
Dị ứng trứng có được tiêm vaccine cúm không?
Vaccine cúm được sản xuất bằng quy trình nuôi cấy trong trứng hoặc phôi gà con nên chứa một lượng nhỏ protein trứng. Số lượng protein trứng trong một liều vaccine không đủ để kích hoạt phản ứng nghiêm trọng.
Các nghiên cứu từ Mỹ, Anh, Canada đã chứng minh vaccine không gây phản ứng nặng và an toàn cho người bị dị ứng. Người tiêm phòng còn có thể dị ứng với một trong các thành phần khác của vaccine như kháng sinh, protein còn sót lại, chất bảo quản, ổn định, phức hợp bất hoạt virus...
Trước khi tiêm vaccine, bạn sẽ được khám sàng lọc kỹ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên tình trạng của bạn để đưa ra chỉ định tiêm phù hợp. Về phía bạn, cần khai báo tiền sử dị ứng, các bệnh lý đang mắc, loại thuốc đang sử dụng, theo dõi tại chỗ sau tiêm 30 phút theo hướng dẫn và 24-48 tiếng sau tại nhà.
Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn lưu ý, dù đã tiêm vaccine cúm hay chưa, mọi người vẫn cần chủ động phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc người có dấu hiệu mắc bệnh. Mọi người không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus vì có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Bên cạnh cúm, mọi người chủ động tiêm vaccine phòng bệnh có thể gia tăng vào mùa lễ hội đầu năm như sởi, ho gà, thủy đậu, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết...
Bình An