Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết người tiêm đa dạng ở mọi lứa tuổi, song người cao tuổi, bệnh nền chiếm tỷ trọng cao hơn. Đặc biệt, nhiều gia đình cùng nhau đến tiêm vaccine, trong đó có đại gia đình hơn 20 thành viên.
Lượng người dân tiêm chủng tăng sau khi cả nước ghi nhận nhiều ca mắc cúm, trở nặng. Người dân mong muốn bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Với người bệnh nền, mũi tiêm cúm giảm sự lo lắng, tâm lý sợ bệnh.
"Dù tiếp nhận lượng khách lớn, VNVC chú trọng đảm bảo thực hành tiêm chủng an toàn, đảm bảo chất lượng vaccine và hiệu quả phòng bệnh tối ưu, lâu dài cho người dân", bác sĩ Chính nói.
![Lượt người tiêm cúm sau Tết tại VNVC tăng gấp 10 lần trong tháng 2. Ảnh: Hữu Thuận](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/khach-tiem-cum-tai-vnvc-tang-g-7574-1772-1739187098.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9z7tZkuubUKm8dIwlEshtg)
Lượt người tiêm cúm sau Tết tại VNVC tăng gấp 10 lần trong tháng 2. Ảnh: Hữu Thuận
Tất cả khách hàng trải qua đầy đủ khâu khám sàng lọc, chỉ định và tiêm chủng, theo dõi sau tiêm tại chỗ. VNVC tăng cường nhân sự và biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các khâu như kho vận, logistics... Nhóm nhân viên tổng đài và đội ngũ bác sĩ hỗ trợ xử trí phản ứng sau tiêm cũng túc trực 24/7 để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn theo dõi sau tiêm cho người dân, đặc biệt cho những người mới tiêm chủng lần đầu.
Đồng thời, 108/216 trung tâm của đơn vị tăng cường thời gian làm việc đến 18 giờ tối để hỗ trợ thuận tiện hơn cho khách hàng. Hệ thống đặt lịch tiêm chủng qua website, tổng đài... hỗ trợ sắp xếp tiêm chủng nhanh chóng.
Đến tiêm cúm và phế cầu tại VNVC ICON 4 (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 10/2, ông Trần Hiển (62 tuổi) được chủng ngừa sau ít phút chờ đợi. Sau tiêm 30 phút, ông được điều dưỡng đo thân nhiệt, kiểm tra vết tiêm bình thường và hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà.
Ông Hiển có bệnh nền cao huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm và từng mắc lao phổi nên sức khỏe yếu. Mỗi khi trời mưa lạnh, ông ho nhiều, mệt mỏi song không tiêm phòng cúm vì cho rằng đây là bệnh vặt. Tuy nhiên, khi sức khỏe ngày càng yếu, và gia đình có trẻ nhỏ, ông tiêm phòng để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Còn chị Phan Ngọc Thịnh (38 tuổi) cùng chồng và con gái 4 tuổi tiêm vaccine cúm tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2 (TP HCM) hôm 9/2. Chị mô tả lần tiêm vaccine này là "thay đổi bước ngoặt" của gia đình. Lý do, khi trước, họ quan niệm bệnh cúm nhẹ, chỉ cần uống vài viên thuốc hoặc không cần điều trị sẽ khỏi.
Khi thông tin nữ diễn viên Từ Hy Viên tử vong sau khi mắc cúm, gia đình mới hiểu cúm cũng gây nhiều biến chứng, mỗi người đều cần tiêm vaccine. Bên cạnh đó, hồi tháng 12/2024, con gái điều trị cúm A tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tốn kém gần 5 triệu đồng gồm tiền khám, xét nghiệm, thuốc men, đi lại và nghỉ việc để chăm con. Sau đợt bệnh này, bác sĩ cũng khuyến cáo tiêm ngừa cúm để giúp bé phòng bệnh tốt hơn.
Cúm là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, thường gây ho nặng và kéo dài. Bộ Y tế hôm 8/2 cho biết ghi nhận số ca bệnh tăng từ cuối 2024 và trong dịp tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, số tăng song không đột biến so với cùng kỳ hàng năm.
Một số cơ sở y tế trên toàn quốc ghi nhận các trường hợp mắc cúm nặng. Tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong tháng 1, số ca cúm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, ca nặng tăng 32%. Các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và Lão khoa Trung ương điều trị nhiều ca nặng, có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
Theo bác sĩ Chính, triệu chứng bệnh gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho. Thông thường, bệnh phục hồi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, cúm có thể trở nặng khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não... với các dấu hiệu khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao trở nặng gồm người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền có nguy cơ cao trở nặng.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng. Theo bác sĩ Chính, vaccine hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm.
![Người cao tuổi tiêm vaccine cúm và phế cầu tại VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Ảnh: Bình An](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/nguoi-cao-tuoi-tiem-cum-va-phe-3656-4436-1739187098.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KgEEWFa7fEQeRVW_If7gpw)
Người cao tuổi tiêm vaccine cúm và phế cầu tại VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Ảnh: Bình An
Hiện VNVC có hai loại vaccine cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Đây là các chủng virus đang lưu hành gây nhiều ca mắc ở Việt Nam và dịch cúm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vaccine dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm ngừa cần hai mũi, từ 9 tuổi trở lên chỉ cần một mũi. Phụ nữ nên tiêm trước và trong khi mang thai, tốt nhất từ ba tháng giữa thai kỳ trở đi.
Vaccine cần nhắc lại mỗi năm. Lý do, cấu trúc kháng nguyên của virus cúm thay đổi thường niên và kháng thể bảo vệ từ vaccine giảm dần theo thời gian. Mũi nhắc lại hàng năm sẽ giúp đảm bảo khả năng bảo vệ của vaccine.
Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông xuân với khí hậu gió mùa, nồm ẩm, nhu cầu giao thương, du lịch, tập trung đông người tăng sẽ thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển. Do đó, ngoài vaccine, người dân nên chủ động phòng các bệnh hô hấp khác.
Bộ Y tế khuyến cáo tiêm thêm vaccine có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ mang thai; tiêm đúng lịch, đủ các mũi cần thiết. Người dân đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để đảm bảo vệ sinh cá nhân. Không tiếp xúc gần người nghi mắc bệnh.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Người nhiễm bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Bình An