Bệnh viêm màng não xuất hiện rải rác quanh năm, xu hướng tăng vào mùa nắng nóng do điều kiện thời tiết thuận lợi để mầm bệnh sinh sôi, phát triển.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết viêm màng não do não mô cầu có khả năng gây tử vong nhanh trong 24 giờ kể từ khi mắc bệnh. Các triệu chứng sớm của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm thường, ví dụ đau họng, sốt, buồn nôn... dẫn đến dễ chẩn đoán sai, phát hiện muộn.
Những người chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu, trong đó đối tượng nguy cơ cao là trẻ dưới hai tuổi, vị thành niên... Để phòng viêm màng não do não mô cầu hiệu quả, PGS Thái nêu 5 cách phòng ngừa dưới đây.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh
PGS.TS Phạm Quang Thái phân tích, vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết và giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Người nhiễm não mô cầu trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây truyền cho người khác. Vi khuẩn còn có khả năng trú trong hầu họng của người khỏe mạnh mà không gây ra bệnh, tạo tình trạng người lành mang trùng.
Do đó khi có người nghi nhiễm hoặc nhiễm vi khuẩn não mô cầu, cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc nơi đông người. Những cách này giúp bảo vệ mọi người trước vi khuẩn não mô cầu và nhiều mầm bệnh truyền nhiễm khác.
Nâng cao thể trạng
Theo bác sĩ Thái, bên cạnh tiêm ngừa, nâng cao thể chất cũng là một cách giúp cơ thể chống chọi tốt hơn khi dịch bệnh xuất hiện. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ các nhóm chất là thói quen lành mạnh cần duy trì, giúp củng cố hệ miễn dịch.
Trong đó, cần ngủ đủ theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh cần ngủ 20 tiếng mỗi ngày, trẻ khoảng 6 tuổi cần 10-12 tiếng hàng ngày cho việc ngủ. Ở thanh thiếu niên, con số là 8-10 tiếng mỗi ngày; người trưởng thành cần 7-9 tiếng hàng ngày. Ngủ đủ giấc giúp trẻ em và người lớn học tập, làm việc đạt năng suất cao. Đồng thời hệ miễn dịch cũng được củng cố khi cải thiện hiệu quả của tế bào T (có vai trò chống lại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể).
Ngoài các thực phẩm thiết yếu như đạm, cá, trứng, sữa, cần bổ sung đầy đủ vi chất như chất xơ, vitamin có trong rau, củ, quả, ngũ cốc.
Bên cạnh đó cần tăng cường vận động, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh để cơ thể khỏe khoắn.
Đến bệnh viện khi nghi mắc bệnh
PGS.TS Phạm Quang Thái nêu, viêm màng não do não mô cầu có khả năng gây tử vong nhanh. Các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm, trẻ em và người lớn cần chú ý quan sát dấu hiệu bệnh, đến ngay cơ sở y tế để có bước xử trí kịp thời. Bệnh có một số đặc điểm cảnh báo như khởi phát đột ngột, triệu chứng rầm rộ. Người bệnh có thể sốt cao đột ngột, liên tục đến 41 độ C kèm đau đầu dữ dội, co giật, buồn nôn, nôn, cứng cổ. Ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện tình trạng thóp căng phồng, li bì, bỏ bú...
Sau khi sốt 1-2 ngày, bệnh nhi thường có những nốt tử ban trên da có màu xanh tím hoặc đỏ thẫm với đường kính 1-5 mm. Tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc liên kết với nhau tạo thành đám, lan truyền nhanh chóng hình thành vùng da hoại tử. "Tử ban là dấu hiệu bệnh nặng, cần đến ngay cơ sở y tế, không được chần chừ tự điều trị tại nhà", bác sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
PGS Thái lưu ý bệnh nhân không tự ý mua kháng sinh khi khởi phát bệnh do chưa xác định được nguyên nhân, làm che lấp dấu hiệu bệnh, mất đi cơ hội được điều trị sớm vì bệnh là cấp cứu nội khoa. Việc tự ý dùng kháng sinh không có chỉ định bác sĩ, về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở người dùng, dẫn đến việc khó điều trị khi mắc bệnh.
Tiêm ngừa vaccine
WHO khuyến cáo, tiêm chủng là chiến lược kiểm soát tốt nhất giúp dự phòng bùng phát các vụ dịch và ca bệnh như viêm màng não do não mô cầu. Vi khuẩn này có 12 nhóm huyết thanh, trong đó 6 nhóm nguy cơ cao là A, B, C, X, Y, W chiếm 90% số ca bệnh trên toàn thế giới. Hiện 5 nhóm A, B, C, Y, W đã có vaccine phòng ngừa và sẵn có tại trung tâm tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam.
Cơ thể không thể tự sinh kháng thể đặc hiệu với vi khuẩn não mô cầu. Do đó, tiêm đủ liều, đúng lịch là cách giúp hệ miễn dịch sinh kháng thể đặc hiệu với bệnh.
PGS Thái cũng lưu ý cần bảo vệ rộng, đủ 5 nhóm huyết thanh nguy cơ cao đã có vaccine. Phòng ngừa thiếu một hoặc vài nhóm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vaccine cộng hợp tứ giá ACYW phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh do nhóm huyết thanh C, Y và W gây nên.
Ngoài vaccine não mô cầu, trẻ em và người lớn cần chủng ngừa nhiều loại khác theo độ tuổi nhằm bảo vệ bản thân tránh bệnh, lây nhiễm cho cộng đồng.
Giữ vệ sinh cá nhân
PGS Thái cho biết, dù vaccine có khả năng bảo vệ cao, vẫn cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh cá nhân như súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa thông thoáng.
Cần lưu ý, quá trình súc họng cần kéo dài khoảng hai phút, để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng trong ba lần, mỗi lần khoảng 15 giây. Thực hiện súc họng khoảng 2-3 lần mỗi ngày, không súc lại bằng nước. Tuy vậy, cần tránh súc miệng bằng nước sát khuẩn quá nhiều lần một ngày vì có thể làm khô vùng họng, gây khô ráp, dễ tạo ra các vết trầy - tạo cơ hội cho vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể. Rửa tay bằng xà phòng cần thực hiện thường xuyên sau khi tiếp xúc nơi đông người, trước mỗi bữa ăn, cần rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trong khoảng 30 giây, không nên quá nhanh.
Với trẻ nhỏ và các nơi ở tập thể như khu trọ, ký túc xá cần thường xuyên vệ sinh môi trường như: lau sàn, ngâm đồ chơi của trẻ trong dung dịch diệt khuẩn Cloramin B khoảng 30 phút.
Ngoài ra, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cao hơn. Vì vậy, người lớn cần tránh hút thuốc gần trẻ.
Yên Chi