Bác sĩ Nguyễn Văn Mùi, chuyên gia Nội tiết, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết đột quỵ xảy ra khi một hay nhiều mạch máu cung cấp oxy cho não bị hư hỏng hoặc tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài trên 3 phút, tế bào não bắt đầu chết. Có hai loại là đột quỵ xuất huyết do động mạch bị vỡ và đột quỵ do thiếu máu cục bộ (động mạch bị tắc nghẽn). Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể rơi vào hôn mê, thậm chí dẫn tử vong.
Đột quỵ hay tai biến mạch não là biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bị đái tháo đường. Nguy cơ bị đột quỵ ở người mắc đái tháo đường type 2 tăng gấp 2 - 4 lần so với người bình thường.
TS.BS Sabrina Stefanizzi, khoa Nội thần kinh, điều phối Trung tâm Dự phòng bệnh lý Tim Mạch tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cũng cho biết Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ cao và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ có thể thay đổi được. Trong đó, phòng ngừa ban đầu là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa đột quỵ.
Dưới đây là một số cách phòng ngừa nguy cơ đột quỵ mọi người cần lưu ý:
Ổn định huyết áp
Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ, một trong số đó là tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột hoặc tăng huyết áp mạn tính chưa được kiểm soát.
Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch, khiến cho thành mạch xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, trường hợp tăng huyết áp mạn tính hoặc cơn cao huyết áp ác tính, có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não hay đột quỵ.
Vì vậy, mọi người cần ổn định huyết áp, kết hợp với việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh thừa cân, giảm tiêu thụ muối, hạn chế căng thẳng.
Trường hợp người bị huyết áp cao cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc cân bằng huyết áp.
Chế độ ăn uống hợp lý và kiểm soát cholesterol
Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đồ chiên xào, thức ăn nhanh để tránh tăng cholesterol trong máu vì đây là nhân tố làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch, hạn chế khả năng lưu thông máu đến não, tăng nguy cơ đột quỵ.
Lưu ý uống đủ nước, nhu cầu trung bình của mỗi người là khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày. Không nên đợi đến khi có cảm giác khát thì mới uống mà hãy chủ động uống nước liên tục trong ngày.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Ngoài nguyên nhân do bẩm sinh hoặc di truyền như dị dạng mạch máu, nguy cơ đột quỵ còn liên quan nhiều đến lối sống không lành mạnh và có thể phòng ngừa được.
Các bác sĩ khuyến nghị mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc lá, tăng cường rèn luyện sức khỏe, tập thể dục góp phần giảm tình trạng thừa cân, béo phì.
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các bệnh nhân, nhất là người có tiền sử bệnh nền về tim mạch, huyết áp đó là phải sử dụng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp người bệnh không sử dụng thuốc đều đặn có thể dẫn tới các biến chứng khác, nặng có thể gây tử vong.
Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ
Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Trong quá trình tầm soát, bác sĩ sẽ phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn đột quỵ như hẹp, tắc nghẽn mạch máu, phình, vỡ hay dị dạng mạch máu não và những bệnh lý nền khác có liên quan. Từ đó tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ đột quỵ.
Để giúp cộng đồng nâng cao hiểu biết về đột quỵ, các nguy cơ, cách phòng ngừa, nhận biết và xử lý khi bị đột quỵ, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội tổ chức hội thảo Đột quỵ: Từ phòng ngừa nguy cơ tới cấp cứu kịp thời vào ngày 15/6.
Lê Nga