Có một thực tế là người Việt vốn nhút nhát hoặc không được khuyến khích nói về sở thích và hoài bão của bản thân. Sự nhút nhát khiến bạn giữ khoảng cách với người khác và tránh các giao tiếp xã hội. Nó có thể khiến bạn cảm thấy e dè hoặc bất an trong các tương tác với người khác. Những người nhút nhát cũng thường gặp khó khăn trong việc kết bạn mới. Thêm vào đó, cảm giác ngại ngùng có thể ngăn mọi người nói trước đám đông và gây dựng các mối quan hệ xã hội.
Dưới đây là kinh nghiệm của tôi trong 40 năm làm việc với các công ty lớn ở nước ngoài:
Thứ nhất, không có câu hỏi nào là câu hỏi ngu ngốc cả. Tôi không hiểu thì phải hỏi cho ra lẽ, không giả vờ gật gù rồi cuối cùng không hiểu hoặc hiểu sai dẫn đến làm sai. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi cũng phải rõ ràng và có trọng tâm để người được hỏi biết phải giải thích điều gì mà bạn muốn hiểu, chứ chỉ nói chung chung là tôi không hiểu thì người ta sẽ không biết đường đâu mà trả lời.
Thứ hai, tôi luôn biết lắng nghe và tiếp thu quan điểm, ý kiến đóng góp, phản biện của người khác với tinh thần cầu thị. Từ đó, tôi có thể hiểu, khắc phục, cải tiến nếu còn thiếu sót, đồng thời cũng biết bảo vệ ý kiến của mình nếu nó không có gì kém hơn các quan điểm khác.
>> Sợ đi làm vì bị đồng nghiệp cô lập, bắt nạt
Thứ ba, các quan điểm khác biệt, tranh chấp trong lúc bàn thảo công việc hay thiết kế đề án là chuyện bình thường, đừng cho rằng đó là sự công kích cá nhân, đừng để nó làm mình bận tâm hay tệ hơn là ghim thù trong lòng.
Thứ tư, tôi luôn tâm niệm sự nhút nhát hay kiêu ngạo trong giao tiếp khi làm việc sẽ khiến chính mình bị cô lập. Xây dựng và phát triển tốt các mối quan hệ làm việc trong nhóm và ngoài nhóm để làm tăng cơ hội học hỏi, hiệu quả làm việc và kết nối nhóm là nhiệm vụ vô cùng quan trọng với mỗi người. Nếu thiết lập được quan hệ tốt với một ít người đó ngoài đời thường thì còn tốt hơn nữa.
Thứ năm, tôi không cả nể hay dễ dãi chấp nhận các yêu cầu nhờ vả làm giúp công việc hay các câu hỏi của đồng nghiệp hay quản lý của nhóm khác về cách mình làm một chuyện gì đó, nếu không thực sự cần thiết. Nếu tôi không thể làm điều đó trong vòng 10-15 phút cho họ thì sẽ thẳng thắn nói xin lỗi vì còn công việc phải hoàn tất. Nếu họ thật sự cần sự giúp đỡ, tôi sẽ kêu họ trực tiếp đặt yêu cầu với quản lý của mình, để chính thức cho phép giải quyết các công việc nằm ngoài trách nhiệm của mình mà không bị khiển trách.
Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp các bạn mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp hằng ngày ở nơi công sở, không trở thành một người nhút nhát, khép mình và lạc lõng trong tập thể.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Công sở đáng sợ vì ít bạn, lắm bè'
- Tôi như con nợ khi đồng nghiệp giành trả tiền ăn
- Tôi thấy phiền khi đồng nghiệp tranh trả tiền ăn
- Cuộc chiến 'dìm hàng' đồng nghiệp khi bình bầu nhân viên cuối năm
- 20 năm đối phó với đồng nghiệp đố kỵ, chơi khăm