Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở cả trẻ em và người lớn đã được Việt Nam cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, một số bệnh dịch có tính chất nặng nề như sốt xuất huyết, tay chân miệng hoặc có tính phổ biến như zona thần kinh, bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) chưa được cơ quan quản lý phê duyệt.
Bác sĩ Phong cho biết các loại này đều quan trọng, kỳ vọng sớm được đưa về Việt Nam để tăng cơ hội phòng bệnh cho người dân.
Sốt xuất huyết
Tại Việt Nam, cao điểm của bệnh sốt xuất huyết thường từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Bộ Y tế thống kê trong năm 2023, toàn quốc có hơn 172.000 ca mắc và 43 ca tử vong. Trước đó, năm 2022, các địa phương thiếu thuốc điều trị các trường hợp nặng, gây áp lực lớn tới hệ thống y tế.
Hiện thế giới có hai vaccine ngừa sốt xuất huyết, gồm Dengvaxia (Mỹ) và Qdenga (Nhật Bản). Trong đó, loại của Nhật Bản đã được cấp phép tại nhiều quốc gia như Liên minh Châu Âu và các nước có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự Việt Nam như Indonesia, Brazil, Thái Lan. Mũi tiêm ngừa 4 chủng virus sốt xuất huyết, hiệu quả khả quan, không cần xét nghiệm trước khi tiêm.
Qdenga chưa được Bộ Y tế phê duyệt. Hệ thống tiêm chủng VNVC dự kiến phân phối vaccine khi được cấp phép.
Tay chân miệng
Vaccine tay chân miệng đầu tiên trên thế giới được cấp phép vào năm 2015 tại Trung Quốc, do Viện Khoa học Y tế tại Côn Minh phát triển. Mũi tiêm này có thể phòng chủng enterovirus 71 (EV71), là tác nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng.
Tại Việt Nam, vaccine tay chân miệng chưa được cấp phép. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm một loại ngừa chủng EV71 do Đài Loan sản xuất, từ năm 2019 đến năm 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy mũi tiêm có khả năng cao phòng bệnh và giảm tỷ lệ trở nặng. Đơn vị nghiên cứu đã làm thủ tục gửi Bộ Y tế để xem xét phê duyệt, kỳ vọng sớm có vaccine trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tay chân miệng tại Việt Nam lưu hành quanh năm với hai đỉnh dịch vào tháng 3-5 và tháng 9-12. Tay chân miệng nằm trong nhóm 10 bệnh truyền nhiễm dẫn đầu về tỷ lệ mắc và tử vong. Năm 2023, Bộ Y tế thống kê miền Nam có hơn 141.000 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 1,75 lần so với cùng kỳ năm 2022 (hơn 89.000 ca). Trong đó, nhiều bệnh nhi biến chứng viêm phổi, trở nặng.
RSV
Theo bác sĩ Phong, virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV) là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi lứa tuổi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ước tính có khoảng 58.000 đến 80.000 trẻ dưới 5 tuổi nhập viện do virus này gây ra.
Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số lượng ca nhiễm RSV hàng năm, tuy nhiên các bệnh viện đã ghi nhận nhiều bệnh nhi đến khám viêm đường hô hấp khi chuyển mùa từ lạnh sang nóng và ngược lại.
Còn vaccine RSV được phê duyệt tại Mỹ từ tháng 5/2023, gồm Arexvy (GSK) và Abrysvo (Pfizer). Các vaccine có thể chủng ngừa cho trẻ em từ 9 tháng tuổi, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.
Zona thần kinh
Zona thần kinh và thủy đậu có cùng tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster. Virus gây bệnh thường trú ngụ trong tủy sống nhiều năm và phát triển thành zona thần kinh khi hệ miễn dịch suy yếu. Biểu hiện của bệnh bao gồm các mụn nước mọc theo dây thần kinh gây đau nhức, cản trở vận động và giảm chất lượng cuộc sống.
Thế giới có hai loại vaccine ngừa zona thần kinh là Zostavax và Shingrix. Zostavax được giới thiệu lần đầu ở Mỹ năm 2006 và sau đó ngừng sử dụng vào năm 2020 do hiệu quả bảo vệ thấp. Shingrix (của GSK) hiện là loại duy nhất còn được sử dụng tại Mỹ.
Mũi tiêm ngừa zona thần kinh chỉ định cho người trên 50 tuổi, người từ 19 tuổi nhưng có hệ miễn dịch suy yếu như mắc HIV/AIDS, ung thư, ghép tạng. Người từng mắc thủy đậu vẫn được tiêm ngừa zona nhằm ngăn ngừa tái phát và chặn bệnh biến chứng trên da, thị lực, viêm phổi, viêm não...
Hiện, các vaccine ngừa zona thần kinh chưa có mặt tại Việt Nam. Năm 2023, GSK và VNVC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng sớm đưa các mũi tiêm này đến với người dân.
Nhật Linh