Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3) chia sẻ, ngày Tết chúng ta có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Tuy nhiên các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm gây tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường...
Để đảm bảo sức khỏe ngày Tết, bạn tuân thủ một số quy tắc ăn uống sau đây:
Ăn cân đối
Sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý. Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, không nên bỏ bữa và nên ăn đúng giờ. Cần ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thực phẩm chính (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất).
Ăn nhiều trái cây rau quả vì chất xơ tạo cảm giác no lâu, tránh việc ăn nhiều gây tăng cân, ngoài ra rau quả còn cung cấp vitamin giúp tăng đề kháng. Thiếu rau quả có thể gây các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng....
"Đối với người bình thường nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây một ngày (mỗi suất tương đương 80 g) để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì...", bác sĩ Vũ khuyên.
Ngoài ra, bánh chưng bánh tét rất nhiều calo dễ gây tăng cân, nên ăn lượng vừa phải. Hạn chế đồ chiên xào vì nạp nhiều cholesterol vào cơ thể. Thận trọng với đồ ngọt: Các món bánh mứt nhiều đường gây tăng cân, làm thèm ăn đồ ngọt. Các món nước ngọt, nước có ga cần hạn chế. Trẻ em ăn nhiều bánh kẹo ngọt dễ thừa cân béo phì, một số trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết. Có thể thay thế các loại bánh mứt bằng các loại hạt vì chứa ít chất béo, nhiều chất xơ và vitamin tốt cho cơ thể.
Ăn an toàn
Không sử dụng thức ăn có dấu hiệu biến chất: nấm mốc, bốc mùi, thay đổi vị, đồ ăn cũ để tủ lạnh lâu ngày. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát tránh côn trùng bò vào. Rau củ quả hay thịt cá đều cần sơ chế sạch sẽ trước khi nấu. Không nên chế biến quá nhiều để ăn dần, nếu được chỉ nên nấu lượng vừa đủ ăn trong ngày, nên dùng món ăn khi còn nóng. Hâm lại thức ăn nhiều lần làm thức ăn không còn ngon mà còn biến đổi về dinh dưỡng không có lợi.
Uống đủ nước, hạn chế bia rượu, nước ngọt
Mỗi người cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Uống nước ấm giúp bụng giảm cảm giác đầy hơi và cơ thể thấy dễ chịu hơn.
Người bình thường không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). Sử dụng nhiều rượu bia, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Không uống rượu, bia, nước ngọt cùng lúc vì bia và nước ngọt chứa chứa nhiều cacbonic làm quá trình thẩm thấu cồn vào cơ thể nhanh hơn. Vì vậy khi bạn sử dụng cùng lúc với rượu khiến cồn thẩm thấu vào cơ thể cực nhanh mà gan không chuyển hóa kịp. Như vậy bạn sẽ bị say rượu tồi tệ hơn, thậm chí ngộ độc cồn gây nguy hiểm. Bên cạnh đó không để bụng đói đi chúc Tết, vì khi đói, uống bia rượu vào dễ say gây mệt người.
Tinh thần thoải mái khi ăn giúp tiêu hóa tốt hơn và tránh tăng cân. Căng thẳng sẽ khiến bạn tăng cảm giác thèm đồ ăn vặt và ăn không kiểm soát.
Người có bệnh mạn tính cần duy trì chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của thầy thuốc, sử dụng thuốc theo chỉ định.
Lê Cầm