Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3), chia sẻ thông tin trên, ngày 27/1. "Không chỉ là món ăn được xem như mang lại may mắn, trái khổ qua hầm ăn mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt hiệu quả", bác sĩ Vũ nói.
Ngày Tết, ăn miếng canh khổ qua vị đắng nhẹ, hậu ngọt sẽ cảm thấy mát người, dễ chịu. Phần vỏ mềm, vị đắng, phần nhân ngọt thơm vị thịt hoặc cá, giòn sật sật và thơm hương của nấm mèo. Đây là món ăn khá cân đối giữa chất xơ và đạm, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, theo bác sĩ Vũ.
Trái khổ qua có hàm lượng calo và carbs thấp song nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng. Các vi chất dinh dưỡng trong khổ qua gồm: vitamin A, B, C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt và magie và chất chống oxy hóa hữu ích như lutein và zeaxanthin.
Ăn khổ qua còn có tác dụng giảm béo bụng, tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực, giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori, kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp, chữa lành vết thương, vết loét da, giúp hạ đường huyết và và cải thiện dung nạp glucoza...
Đây cũng là loại quả được sử dụng nhiều trong y học dân gian. Khổ qua vị đắng, lạnh, vào tỳ vị tâm can, tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Trái này dùng cho trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ). Khổ qua nấu chín ăn có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận.
Tuy nhiên ăn nhiều khổ qua có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng. "Người có biểu hiện hạ đường huyết thì không nên ăn vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên ăn vì có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới hư thai hoặc sinh non", bác sĩ Vũ lưu ý.
Lê Cầm