Hong Kong đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997 khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ liên tiếp diễn ra hơn một tuần nay. Người dân muốn yêu cầu cải cách bộ máy lập pháp địa phương và phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu dự kiến diễn ra năm 2017.
Cuộc đối đầu giữa phong trào biểu tình và chính quyền thành phố dường như chưa có dấu hiệu kết thúc khi cả đôi bên đều tỏ ý không khoan nhượng. Hôm qua, một thủ lĩnh sinh viên đe dọa rằng những người ủng hộ cô có thể chiếm đóng các tòa nhà của chính quyền. Trong khi đó, ông Lương Chấn Anh, người đứng đầu đặc khu, nhấn mạnh sẽ không bị lung lay.
Trước tình thế giằng co, AFP đưa ra một số kịch bản có chiều hướng sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Phong trào biểu tình phát triển mạnh mẽ
Suốt nhiều ngày qua, hàng chục nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình, chiếm lĩnh các trục giao thông huyết mạch, làm tê liệt nhiều khu vực quan trọng của đặc khu hành chính.
Trong hai ngày 1-2/10, Hong Kong trải qua kỳ nghỉ lễ, do đó những hoạt động biểu tình không gây ra quá nhiều gián đoạn hay khó khăn tại đặc khu. Qua thời gian này, lượng người tham gia phong trào biểu tình có lẽ sẽ tăng lên, đặc biệt nếu cảnh sát tiếp tục giữ thái độ chừng mực như hiện tại. Trước đó, chính quyền Hong Kong đã sử dụng đến cả đạn hơi cay để trấn áp đoàn người.
Người biểu tình tiếp tục chặn các tuyến đường trọng yếu và đám đông ngày càng lớn dần sẽ gia tăng áp lực, buộc chính quyền có những động thái phản hồi, đáp ứng yêu cầu hoặc đàn áp người dân. Chuyên gia phân tích cho rằng, việc ông Lương từ chức sẽ làm giảm một phần động lực của người biểu tình.
Phong trào biểu tình đuối sức
Dù số dân chúng tham gia biểu tình những ngày qua khá ấn tượng, nhưng việc giữ đám đông đủ lớn cũng gây áp lực không nhỏ đối với những người tổ chức phong trào. Việc suy giảm lượng người ủng hộ tràn ra đường phố rất dễ dẫn tới hệ quả là đám đông mất đi động lực. Từ đó, chính quyền đặc khu sẽ điều động cảnh sát để giải tán những người còn lại.
Các địa điểm biểu tình nhỏ lẻ là nơi dễ bị dẹp bỏ. Hằng sáng, có rất ít người biểu tình hiện diện ở các quận Mong Kok hay Causeway Bay bởi họ phải về nhà tắm rửa và nghỉ ngơi.
Người biểu tình cũng phải chú ý tới dư luận trong thành phố vốn luôn tự hào với danh tiếng là nơi tuyệt vời để kinh doanh. Hiện tại, tuy thỉnh thoảng vẫn có những lời phàn nàn về cuộc biểu tình nhưng ở mức độ vừa phải, không đáng kể. Điều này sẽ thay đổi nếu sự bất tiện mà phong trào gây ra kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần tới.
Các cuộc biểu tình hầu hết đang được duy trì với không khí thanh bình và thái độ ôn hòa. Nhưng lãnh đạo biểu tình biết rõ, chỉ một vài phản ứng quyết liệt từ đám đông sẽ xô đổ tất cả. "Các thành phần quá khích có thể sẽ thử và gây ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi để giành vai trò dẫn đầu các phong trào bất tuân dân sự", Tổ chức Giải pháp Bảo mật Tình báo viết trong một báo cáo.
Chính quyền trấn áp
Đối mặt với viễn cảnh thành phố bị tê liệt và sự không hài lòng từ Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong có khả năng sẽ quyết định đưa lực lượng chống bạo động trở lại và thực hiện mọi hành động cần thiết để giải tán người biểu tình, làm thông quang đường phố.
Cảnh sát không loại bỏ khả năng sử dụng đạn hơi cay, thậm chí bắn đạn cao su để trấn áp đám đông. Nhưng những cuộc đối đầu trực tiếp có lẽ chỉ khiến người biểu tình xuống đường đông đảo hơn, như những gì xảy ra tối hôm 28/9.
Trong khi đó, giới phân tích tin rằng động thái lần này đã hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của các lãnh đạo phong trào. "Ngay cả khi những người tổ chức và lãnh đạo biểu tình bị bắt, phong trào có thể vẫn tiếp tục duy trì", AFP dẫn bình luận từ Steve Vickers Associates.
Bắc Kinh can thiệp
Khi nhận thấy chính quyền Hong Kong không thể xử lý các cuộc biểu tình, Bắc Kinh sẽ ra quyết định huy động lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) can thiệp vào tình thế ở đặc khu. Đây là kịch bản gây tranh cãi nhất, tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều lời đồn đoán cho rằng doanh trại quân đội Trung Quốc ở Hong Kong sẽ được huy động. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể quanh nhận định này.
Cả ông Lương và Bắc Kinh đều cho rằng Hong Kong có thể tự giải quyết mọi rắc rối của mình. Việc gửi lực lượng quân đội đại lục đến đặc khu hành chính này sẽ chỉ gây nên làn sóng lên án và phản đối ở Hong Kong cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Một nhà phân tích phương Tây, yêu cầu được giấu tên, nhận xét việc triển khai quân đội Trung Quốc "là lựa chọn ít có khả năng xảy ra nhất". Thay vào đó, Hong Kong có thể gia tăng số lượng cảnh sát bằng cách tiếp nhận các cán bộ từ đại lục và khoác lên cho họ bộ đồng phục cảnh sát địa phương. "Bằng cách này họ sẽ dập tắt được các cuộc biểu tình trong khi vẫn xử lý vấn đề trong nội bộ".
Vũ Hoàng (theo AFP)