Hàng chục nghìn người dân Hong Kong trong hơn một tuần nay liên tục tổ chức các hoạt động biểu tình, bãi khóa nhằm phản đối các quy định mới về bầu cử của Trung Quốc tại đặc khu hành chính. Phong trào lên tới đỉnh điểm hôm 28/9 khi lực lượng cảnh sát và người biểu tình xảy ra đụng độ. Đạn hơi cay đã được sử dụng.
Tháng trước, Trung Quốc phản đối đề xuất về việc dân chúng Hong Kong công khai lựa chọn người đủ điều kiện giữ vị trí lãnh đạo thành phố trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra năm 2017. Thay vào đó, ứng viên phải được sàng lọc và lựa chọn bởi một hội đồng có mối liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh.
Điều này khiến dân chúng "nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi", AP dẫn lời William Lam, nhà phân tích tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, nói. Thông qua biểu tình đòi dân chủ, dường như họ muốn gửi đi lời nhắn rằng "chúng tôi muốn nắm giữ tương lai của chính mình".
Những diễn biến mới đang đẩy các lãnh đạo Trung Quốc vào một tình thế chính trị gai góc.
Bắc Kinh không thể đàn áp cuộc biểu tình trên lãnh thổ khu vực Hong Kong, nơi được hưởng quy chế "một nước hai chế độ", nơi phương tiện truyền thông tự do đảm bảo mọi động thái sẽ được phơi bày trước công luận thế giới. Mặt khác, Trung Quốc cũng buộc phải dẹp yên các cuộc biểu tình càng sớm càng tốt để hạn chế gia tăng làn sóng phản đối chính phủ, những bất đồng chính kiến hay sự chia rẽ nội bộ, theo AP.
"Chính phủ Trung Quốc không muốn sự việc tương tự lan sang đại lục", Zhang Lifan, nhà phân tích chính trị và lịch sử đến từ Bắc Kinh, nhận xét. "Cuộc biểu tình gây ra áp lực không nhỏ tới Bắc Kinh bởi họ lo lắng về một phản ứng dây chuyền có thể xảy ra".
Bài xã luận trên trang báo điện tử nhà nước Trung Quốc Global Times từng gợi ý Bắc Kinh nên gửi cảnh sát quân sự để "trấn áp các cuộc bạo động", nhưng không lâu sau nó bị xóa bỏ. Tại Hong Kong, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh nhanh chóng phủ nhận cái mà ông này gọi là "tin đồn" về sự can thiệp của trung ương.
Tình hình hiện nay chưa đến mức phải huy động quân đội, Steve Tsang, chuyên gia cao cấp từ Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham, cho biết. "Nếu chính quyền thay đổi sách lược, sử dụng phương pháp truyền thống, rút lực lượng cảnh sát chống bạo động và đối thoại với dân chúng, ta có thể đưa những người biểu tình trở về vòng kiểm soát".
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, họ vẫn có khả năng sử dụng vũ lực để đảm bảo sự ổn định, Zhang nhấn mạnh. Theo ông Lam, Bắc Kinh sẽ giữ phương án điều động quân sự như một lựa chọn cuối cùng.
Tuần trước, một nhóm nhỏ, chủ yếu là những người lớn tuổi ở Thượng Hải, chụp và đăng tải bức ảnh họ giơ các tấm bảng tuyên bố "Người dân Thượng Hải đồng tình với phong trào 'chiếm trung tâm' ở Hong Kong". Điều này khiến các nhà quản lý Trung Quốc phải đặt câu hỏi liệu sự việc tương tự có xảy ra ở đại lục, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tức thì.
Chuyên gia cho rằng điều đó khó trở thành hiện thực. Hong Kong đã quá quen thuộc với hình thức biểu tình để thể hiện ý chí của quần chúng nhân dân. "Mỗi giai đoạn phát triển của luật căn bản đều chứng kiến các cuộc biểu tình nổ ra", New Republic dẫn lời giáo sư David Lampton từ Trường Johns Hopskin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, cho hay.
Trong đại lục thì khác. Theo nhiều bản tin, Trung Quốc hôm 28/9 đã vô hiệu hóa Instagram, phần mềm chia sẻ ảnh nổi tiếng, nhằm giảm thiểu những bức hình từ hiện trường. Công cụ tìm kiếm trên mạng cũng bắt đầu loại bỏ các kết quả liên quan đến biểu tình Hong Kong. Báo chí Trung Quốc đại lục đưa tin nhỏ giọt về các diễn biến ở Hong Kong, kèm theo các bài xã luận chỉ trích những gì đang diễn ra là trái phép và "có bị các nhân tố cực đoan kích động". Trang báo nhà nước như China Daily đăng tin về vụ hỗn loạn ở những mục rất nhỏ.
Theo Bloomberg, nhiều người dân Trung Quốc đã kịp thời nắm thông tin về cuộc biểu tình, nhưng không có đầy đủ thông tin để hiểu động cơ và quy mô của sự việc. Bên cạnh đó, một số người Trung Quốc thể hiện sự không đồng tình với những diễn biến ở Hong Kong. "Một bộ phận người Trung Quốc nghĩ rằng Hong Kong đang phản ứng thái quá", Lampton nói.
Vũ Hoàng (tổng hợp)