Dòng người tấp nập đổ về lối vào các văn phòng của Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), trong khi cảnh sát được trang bị mũ bảo hiểm và khiên chờ phía sau rào chắn, theo AFP.
“Chúng tôi đang nỗ lực bao vây toàn bộ khu liên hợp của chính quyền và chờ ông Leung trở lại làm việc vào ngày mai sau nghỉ lễ. Chúng tôi muốn nói chuyện trực tiếp với ông ta", Thomas Choi, một người biểu tình, nói.
Cuộc biểu tình ôn hòa đến nay đã kéo hàng chục nghìn người tràn xuống các quận chính và các đường cao tốc ở Hong Kong. Đêm qua đám đông biểu tình còn nêu khả năng chiếm giữ các tòa nhà của chính quyền nếu như ông Leung không từ chức vào chiều nay. Việc chiếm giữ các tòa nhà có thể gây nên một cuộc đụng độ khác giữa người biểu tình và cảnh sát như cuối tuần trước. Các đại lý du lịch hiện ngưng đưa khách du lịch từ Trung Quốc sang Hong Kong, dù thời gian từ ngày 1 đến ngày 7 tháng này đang là "Tuần lễ vàng", kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ở Bắc Kinh.
"Chúng tôi cần phải tăng cường phong trào. Rất nhiều người xuống đường mỗi ngày và chính quyền chưa trả lời chúng tôi. Nếu chúng tôi không đưa các hoạt động lên cấp độ mới thì phong trào này là vô nghĩa", Jason Chan, một sinh viên nói. Tuy nhiên cũng có những người muốn biểu tình ôn hòa do lo ngại đụng độ với cảnh sát.
Hôm qua Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Mỹ và các nước khác không can thiệp vào tình hình ở Hong Kong bởi đó công việc nội bộ của Trung Quốc. Trước đó Nhà Trắng ra tuyên bố nói rõ: "Mỹ luôn ủng hộ hệ thống mở, điều thiết yếu cho sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong, ủng hộ phổ thông đầu phiếu và nguyện vọng của người dân Hong Kong".
Phong trào biểu tình ở Hong Kong bắt đầu một tuần trước bằng hoạt động bãi khóa của các sinh viên đại học và cao đẳng, để yêu cầu cải cách bộ máy lập pháp địa phương và phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu dự kiến diễn ra năm 2017.
Khánh Lynh