![Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Lê Tân](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/12/23/IMG-1660662839917-166091121317-3268-5949-1671784383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gbnoXUlllmYX04hryhspUw)
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Lê Tân
Khánh thành hôm 1/9, sau gần ba năm rưỡi thi công, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) dài gần 80 km với 4 làn xe, mặt đường rộng hơn 25 m thiết kế cho xe chạy với tốc độ tối đa 120 km/h.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 9.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,8 km thực hiện theo hình thức đầu tư công với kinh phí hơn 3.650 tỷ đồng. Đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài 63,2 km làm theo hình thức đối tác công tư (PPP) với kinh phí hơn 9.110 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc giúp rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ như trước, đồng thời liên thông hai cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn thành trục dài 176 km, đưa Quảng Ninh thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước. Trục đường này cũng kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Móng Cái còn 3 giờ, thay vì 5,5 giờ.
Dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng hoàn thành đầu năm, sau một năm rưỡi thi công, giúp tăng năng lực khai thác hai sân bay lớn nhất nước.
![Máy bay di chuyển qua đường lăn vừa nâng cấp tại Tân Sơn Nhất, chiều 25/4. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/12/23/duong-bang-jpg-8408-1650879570-9077-4958-1671784383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m7c2R4OnahwF1ec9rxLhNw)
Máy bay di chuyển qua đường lăn vừa nâng cấp tại Tân Sơn Nhất, chiều 25/4. Ảnh: Gia Minh
Trong đó, tại Nội Bài đường băng 11L/29R (1A) và đường băng 11R/29L (1B) được nâng cấp và xây mới 3 đường lăn thoát nhanh với kinh phí 2.000 tỷ. Tại Tân Sơn Nhất, dự án cũng có tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng bao gồm sửa chữa đường băng 25R/07L và cải tạo, xây mới bốn đường lăn nối E1, NS1, W6, W4, thay mới hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, trạm điện...
Dự án giúp năng lực khai thác trung bình hai sân bay tăng lên 40 chuyến bay mỗi giờ thay vì 32 như trước, cao điểm có thể lên tới 44 chuyến mỗi giờ.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51 km, rộng 16 m, 4 làn xe tốc độ thiết kế 80 km/h được khai thác từ cuối tháng 4. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao). Dự án khởi công từ năm 2009, song quá trình triển khai, gặp nhiều khó khăn, nhiều lần đổi chủ đầu tư và cơ quan quản lý nên phải mất 13 năm mới hoàn thành.
![Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/12/23/bcbdaae0-8d59-4f7a-99e9-4f2063-9732-7927-1671784383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RfoctXPV2sx68UVSa2kctw)
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam
Tuyến đường này kết nối cao tốc TP HCM - Trung Lương (62 km) thành trục dài hơn 110 km, giúp rút ngắn hành trình từ TP HCM đến Mỹ Thuận (Tiền Giang) từ 3 giờ xuống còn 1 giờ 45, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 1.
Do dự án bị trễ hẹn đến 9 năm so với kế hoạch nên dù mới khai thác, tuyến đã bị quá tải do lượng xe quá lớn. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các bên liên quan nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc này lên 6 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp.
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn khánh thành vào cuối tháng 4, tạo hướng kết nối mới giữa Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với trung tâm TP HCM. Công trình có tổng mức đầu tư gần 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại thành phố đến thời điểm này.
Cầu dài gần 1,5 km gồm cả phần cầu và đường dẫn với 6 làn xe, thiết kế dây văng, được xem là biểu tượng mới ở TP HCM. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2015, nhưng phải 7 năm sau mới hoàn thành vì quá trình thi công gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao)...
![Cầu Ba Son tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/12/24/5dddd26d3316eb48b207-3777-1671842911.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Du_ba5o4s4jCP590YAGmbg)
Cầu Ba Son tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Hiện, cầu Thủ Thiêm 2 được TP HCM quyết định đổi tên thành Ba Son, để ghi dấu ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuỷ bên bờ sông Sài Gòn, có lịch sử từ hơn 200 năm trước. Công trình cũng đang được thành phố nghiên cứu thiết kế hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, giúp tạo điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm.
Theo quy hoạch, có 4 cây cầu và một hầm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Nguyễn Hữu Cảnh với trục đại lộ Đông - Tây đưa khai thác từ năm 2008. Sau cầu Thủ Thiêm 2, TP HCM đang chuẩn bị đầu tư hai cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) trước năm 2030.
Đoàn Loan - Gia Minh