Xuyên qua biển cả, núi đồi, xuyên qua sông hồ, rừng ngập mặn và những xóm làng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một trong những tuyến đường đẹp của Việt Nam. Nhưng sự đa dạng của địa hình là thứ khiến cho tuyến đường này phải chờ đến ba thập kỷ để ra đời.

Khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khánh thành, truyền thông nói nhiều về triển vọng hai vùng đất ở đầu tuyến đường: Vân Đồn, với cảng hàng không quốc tế và Móng Cái, với cửa khẩu quốc tế cùng nền biên mậu chờ bùng nổ. Nhưng độ khó của tuyến cao tốc này nằm ở khoảnh đất ở giữa, huyện Tiên Yên, nơi địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt.

Đoạn mô tả trong cuốn "atlas" của nhà Nguyễn vẫn có thể dùng cho những con đường đi qua Tiên Yên trong thế kỷ 21, một trăm bốn mươi năm sau. Những mùa mưa bão suốt thập kỷ qua, vùng đất này vẫn chịu những trận lụt sâu, làm tắc Quốc lộ 18 - tuyến huyết mạch duy nhất từng nối Hạ Long với cửa khẩu Móng Cái. Trên báo chí, độc giả vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tải chở hàng lật nghiêng giữa quốc lộ, trong dòng nước đỏ ngầu.

Vấn đề nằm ở điều kiện tự nhiên của Tiên Yên, một vùng đất bị chia cắt bởi nhiều sông suối và núi đồi. Đây cũng là một trong những nơi có lượng mưa cao nhất của cả nước: mỗi năm, vịnh Tiên Yên - Hà Cối chịu ảnh hưởng của 5-6 cơn bão, có năm lên đến 9-10 cơn.

Thời Lê trở về trước, đạo An Bang (tỉnh Quảng Ninh) là nơi được cho là con người không thể sống được, chỉ lưu đày tội phạm, giáng chức quan bị thất sủng. Nguyễn Trãi viết trong Ức Trai di tập Dư địa chí: "Vùng Yên Bang hiểm ác, gọi là viễn châu; các triều đại đày người đến ở đấy". Trong vùng này, Tiên Yên được Đồng Khánh Dư địa chí mô tả là nơi khét tiếng khắc nghiệt. "Bốn mùa thì lạnh rét đến quá nửa"; "Khí lam chướng khá nặng, những người hay tiếp xúc phần nhiều bị sốt rét"; và khắp nơi là những ghi chú: "nếu gặp mưa gió thì hành trình không thể định trước được".

Từ Tiên Yên lên đến Móng Cái được gọi là "túi mưa" của tỉnh Quảng Ninh.

Bởi vậy, trong phát biểu khánh thành cao tốc Vân Đồn Móng Cái ngày 1/9, "các vấn đề kỹ thuật trong thi công, việc xử lý sụt lún tại khu vực được cho là 'túi mưa' của tỉnh Quảng Ninh" được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lên như một thành công của tuyến cao tốc.

Nếu gặp mưa gió, hành trình không thể định trước được. Và trong hành trình mở đường, xây lên tuyến cao tốc dài 80km nối Tiên Yên với Móng Cái của Tập đoàn Sun Group, không chỉ có mưa, không chỉ có địa hình hiểm trở, mà còn có những khó khăn do Covid-19 với không biết bao nhiêu lần giãn cách, bùng dịch, nhân công bỏ về quê không trở lại…

Trong một bức ảnh chụp vào 11h26 sáng ngày 14/8/2021 tại xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà, một địa điểm nằm giữa tuyến đường, người ta nhìn thấy dòng sông Đầm Hà ngầu bọt đỏ, cuộn siết ngay giữa những trụ bê tông. Mặt đất lầy bùn dưới những vết bánh xe. Một cơn mưa lớn vừa đi qua. Nhưng những người công nhân vẫn cặm cụi làm việc trên những khoảng đất còn khô. Một cây cầu đang dần hình thành bắc qua dòng sông - một trong 35 cây cầu trên toàn tuyến cao tốc này.

Gần 10% tổng chiều dài tuyến cao tốc là những cây cầu, cho thấy sự phức tạp của địa hình. Điều này cũng phần nào nói lên ý chí quyết tâm sắt đá của người đi "chinh phục thiên nhiên". Bối cảnh tự nhiên chỉ là khởi đầu của hành trình. Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được xây dựng vào giai đoạn khó khăn nhất của xã hội nhiều thập kỷ qua, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, xã hội giãn cách và chuỗi cung ứng nhiều thời điểm hoàn toàn đứt gãy.

Sau đợt bùng dịch thứ 4 vào cuối tháng 4/2021, nhiều nhà thầu phụ phải đối mặt với cảnh công nhân lũ lượt bỏ về quê không quay trở lại. Công trường ở nhiều đoạn tê liệt, mà thời điểm hoàn thành dự án sắp cận kề.

Nhưng Sun Group là một doanh nghiệp xây dựng có nhiều kinh nghiệm làm việc trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, với những cán bộ quản lý dự án được rèn giũa ở những công trường lạnh cóng hay cheo leo trên đỉnh Bà Nà hay Fansipan. Ở tuyến đầu của cao tốc, vốn là một công trình như thế: Sân bay Vân Đồn, một dự án được xây dựng trên một vùng đất trũng, do Sun Group làm chủ đầu tư.

Quảng Ninh cũng là tỉnh ứng phó linh hoạt với đại dịch, khi liên tục thay đổi các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Việc giải phóng mặt bằng của toàn bộ 80km đường từ Vân Đồn đi Móng Cái, với gần 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng, đã được địa phương này hoàn tất trong vòng 15 ngày.

Thành quả của 25 tháng vượt mưa lũ, đại dịch là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, kết nối cùng cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, hoàn chỉnh tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 176km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (1.046 km).

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa quan trọng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ về phát triển hạ tầng giao thông. Tuyến cao tốc góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông; tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã khẳng định sự thành công của mô hình hợp tác công - tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương, trên tinh thần lấy vốn nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.

Phát biểu tại lễ khánh thành ngày 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là tuyến cao tốc liên vùng dài nhất hiện nay cả nước, thông qua Hà Nội, tạo động lực quan trọng trong vùng, trung chuyển giữa Đông Á, Đông Nam Á và Trung Quốc, hợp tác liên vùng Đông Bắc bộ mở rộng và vùng đồng bằng sông Hồng...

Là nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng Quảng Ninh trong 4 lĩnh vực chủ chốt: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản cao cấp và hạ tầng, Sun Group chia sẻ Quảng Ninh là địa phương rất rộng mở về cơ chế, chính sách. Càng về sau, tỉnh lại càng có nhiều đổi mới, đặc biệt trong tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đó cũng là lý do không chỉ Sun Group mà nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác đã, đang và sẽ gắn bó với tỉnh để phát triển các dự án về dịch vụ, du lịch theo hướng đẳng cấp và bền vững.

Tuyến kinh tế trọng điểm ven biển nối từ Hải Phòng đi Móng Cái đã được phác ý tưởng gần 30 năm trước. Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996-2001, đây là một nhiệm vụ trọng điểm.

"Phát triển các hành lang kinh tế ven biển, trước hết là các dải Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Huế - Quảng Ngãi, Vũng Tàu - Bà Rịa", bản chiến lược viết.

Nhìn vào bản đồ có thể nhận ra tầm quan trọng của hành lang kinh tế Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, của sự kết nối giữa cảng biển lớn nhất miền Bắc với một trong những cửa khẩu quốc tế sôi động nhất Việt Nam.

Nhưng suốt nhiều thập kỷ, "Móng Cái" và "hàng Móng Cái" vẫn là một ý niệm xa xôi với những người Hải Phòng, Hà Nội - thứ chỉ dành cho những thương nhân cần mẫn. Những năm 2000, đi Móng Cái mua hàng Trung Quốc vẫn là một kiểu tour du lịch mà không nhiều người Hải Phòng có cơ hội trải nghiệm. Địa danh này xuất hiện trên báo chí chủ yếu với những vụ triệt phá các đường dây buôn lậu.

Đó là những thập kỷ mà ngay cả việc từ Hải Phòng sang Hạ Long, hai góc của tam giác kinh tế Đông Bắc Bộ, cũng có thể khiến người ta mất hơn ba tiếng đồng hồ: con đường nhỏ xuyên qua Uông Bí hay xuống cấp, phải sửa chữa, và các nhà xe ra sức dồn khách, chờ khách. Không mấy người thắc mắc nếu một đoạn tỉnh lộ nào đó của Quảng Ninh nhiều ổ gà. Chúng gánh cả nền khai khoáng.

Nhưng phía Bắc thành phố Hạ Long không chỉ có một cửa khẩu. Đó còn là một mỏ vàng về du lịch chưa được khai phá. Trong nhiều thế kỷ, vùng núi hiểm trở này là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa của các cộng đồng dân tộc phía Bắc.

Nhiều năm trước, huyện Tiên Yên đã làm thương hiệu cho "Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc" - nơi người Tày, Nùng đánh đàn tính, hát then, người Dao hát cúng cấp sắc, hay những làn điệu hiếm gặp ở đâu trên khắp đất nước, như hát soóng cọ của người Sán Chỉ, soọng cô của người Cao Lan.

Ngược lên phía trên, Móng Cái với hệ thống di sản tự nhiên và văn hóa dày dặn, cũng mong chờ nền du lịch và dịch vụ từ lâu. Họ có Trà Cổ, bãi biển đầu tiên trên bản đồ đất nước, và cũng là bãi biển dài nhất Việt Nam. Trong nhiều năm, Quảng Ninh đã đầu tư để Móng Cái - Trà Cổ trở thành khu du lịch quốc gia.

Nhưng phải đến khi các tuyến cao tốc hình thành và được nối với nhau, bức tranh ấy mới sáng rõ. Tiềm năng của vùng "viễn châu' khi được kết nối với Hải Phòng và Hà Nội rất rộng mở.

Những con số thống kê về lượng khách du lịch tăng kỷ lục kể từ khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe đã minh chứng cho mong chờ suốt ba thập kỷ đã thành hiện thực nhờ tuyến cao tốc trọng điểm này.

Với việc hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, bức tranh mới đầy triển vọng để vùng "vàng đen" một thời trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, và là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cũng dần được hoàn thiện.