Quyết định đặt tên mới cho hai cây cầu gần nhau bắc qua sông Sài Gòn được các đại biểu thông qua tại ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khoá X, chiều 9/12.
Theo đó, cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son thay vì Thủ Thiêm 2 như hiện nay. Được khánh thành hồi tháng 4, công trình này dài gần 1,5 km, 6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP HCM đến nay. Với kiến trúc nổi bật, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022), cầu được kỳ vọng là điểm nhấn trên sông Sài Gòn.
Còn cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Thủ Thiêm. Cầu dài 1,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng được khánh thành năm 2008.
Trước đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân về việc đặt tên cho hai cây cầu trên. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng thống nhất với cách đặt tên theo đề xuất của thành phố.
Theo Sở Văn hoá và Thể thao, Thủ Thiêm là tên gọi xuất hiện từ thế kỷ 18 và đến nay địa danh thuộc TP Thủ Đức. Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ chỉ người đứng đầu một tổ chức hay đơn vị hành chính. Có thể người chỉ huy đồn binh tên Thêm nên dân gian quen gọi thành Thủ Thiêm.
Còn Ba Son là tên gọi từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "Xưởng thủy" bên bờ sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuỷ Việt Nam. Nơi đây trở thành phần quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Sài Gòn - TP HCM và gắn liền cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng...
Hiện, việc đặt đổi tên đường thực hiện theo Nghị định 91 của Chính phủ. HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Tại phiên làm việc cuối của kỳ họp thứ 8, các đại biểu HĐND TP HCM cũng thông qua 34 nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, hệ số điều chỉnh giá đất, danh mục dự án thu hồi và chuyển mục đích đất trồng lúa, hỗ trợ giáo dục... Các đại biểu cũng thống nhất mục tiêu thu ngân sách gần 470.000 tỷ đồng, tăng 2,6% so với ước thực hiện năm 2022; tăng trưởng kinh tế 7,5-8%; giải ngân đầu tư công trên 90%...
Thu Hằng