Thứ năm, 8/2/2024, 10:00 (GMT+7)

4 bệnh từ động vật cần phòng ngừa dịp Tết

Dại, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết có khả năng lây nhiễm trên người khi tiếp xúc với động vật, nghỉ ngơi và chơi xuân, cần chủ động phòng ngừa.

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết dịp Tết 2023 và các năm trước đã ghi nhận tỷ lệ người dân bị chó cắn cần chủng ngừa, hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm phải nhập viện. Lý do là dịp Tết, mọi người tăng nhu cầu đi lại, giao thương, thuận lợi cho mầm bệnh lây lan.

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, khoảng 60% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh giữ gìn vệ sinh, môi trường khô thoáng, ăn uống hợp vệ sinh, tiêm chủng các vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả trước khi phơi nhiễm.

Trong đó, bệnh dại không có thuốc đặc trị và tỷ lệ tử vong gần 100% khi phát bệnh. Riêng năm 2023, nước ta đã ghi nhận 82 trường hợp tử vong do dại. Vaccine là cách dự phòng duy nhất hiện có.

Vaccine có thể bảo vệ trước và sau khi bị thú cưng cào, cắn. Mũi tiêm ngừa dại được khuyến cáo tiêm đủ phác đồ sau phơi nhiễm, tiếp tục tiêm hai mũi nếu bị cắn vào các lần sau.

Những người thường xuyên tiếp xúc động vật, nguy cơ cao nhiễm dại có thể chủ động tiêm ngừa 3 mũi dự phòng trước khi phơi nhiễm. Dự phòng sớm giúp mọi người được bảo vệ ngay khi bị thương và đang ở vùng sâu xa, tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn.

Virus gây viêm não Nhật Bản thuộc họ flavivirus, có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile (Tây Sông Nile). Mầm bệnh thường lưu trú ở gia súc như lợn, trâu bò, ngựa... và chim hoang dã sau đó truyền bệnh sang người thông qua một loài muỗi đặc trưng Culex.

Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Ở thể nhẹ, người mắc thường gặp rối loạn tri giác và phục hồi nhanh chóng. Ở thể nặng, bệnh gây sốt cao liên tục, co giật, hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch và tử vong nhanh.

Vaccine viêm não Nhật Bản đã được phổ biến trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 1 tuổi, tiêm nhắc mỗi 3 năm. Nếu tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể phòng ngừa sớm từ 9 tháng tuổi, phác đồ 2 mũi và từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi.

Ảnh: The New Daily

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi phổ biến nhất ở người. Bộ Y tế thống kê trong năm 2023, toàn quốc có hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết và 43 ca tử vong. Trong đó, Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cùng 5 địa phương khác ghi nhận có số mắc cao nhất trong năm.

Có 4 chủng virus sốt xuất huyết, việc mắc một chủng không loại trừ khả năng mắc và trở nặng khi mắc chủng khác. Vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, hiện chưa được phê duyệt tại Việt Nam.

Cuối tháng 12 và đầu tháng 1, Bộ Y tế đã cảnh báo người dân cần phòng ngừa cúm gia cầm (A/H5N1) lây nhiễm, trong bối cảnh giao mùa và gia tăng chăn nuôi dịp cận Tết khiến dịch dễ bùng phát. A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao gây bệnh ở gia cầm và thi thoảng lây sang người. 50-60% trường hợp mắc bệnh có biến chứng nặng và tử vong.

Nhiễm cúm A/H5N1 có các triệu chứng ban đầu giống cúm mùa và cảm cúm thông thường. Bệnh chưa có vaccine, tuy nhiên có thể giảm khả năng trở nặng nhờ chủng ngừa vaccine cúm mùa giúp loại trừ các tác nhân, chẩn đoán nhanh khi mắc bệnh và đồng nhiễm gây bệnh nặng. Vaccine cúm mùa tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn và cần tiêm nhắc mỗi năm sau liều cơ bản.

Nhật Linh
Ảnh: Pexel, Freepik

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress