Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết mùa hè là cao điểm du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt khi du lịch nước ngoài, môi trường, khí hậu thay đổi khiến cơ thể không kịp thích nghi làm tăng khả năng mắc bệnh. Bên cạnh đó, môi trường du lịch đông người, các địa điểm mới có thể chứa mầm bệnh và lây nhiễm cho khách du lịch khi không có biện pháp phòng ngừa.
Bác sĩ Quảng liệt kê 4 nhóm bệnh có nguy cơ cao lây nhiễm cao, cần chủ động tiêm phòng trước khi du lịch nước ngoài, bên cạnh các vaccine bắt buộc tiêm theo yêu cầu của nước sở tại.
Bệnh hô hấp
Môi trường khí hậu khác biệt giữa các quốc gia do vị trí địa lý. Ví dụ Việt Nam đang bước vào mùa hè, tuy nhiên tại Australia đang là mùa thu đông hoặc Mỹ đang là cuối mùa xuân. Sự khác biệt này có thể dễ khiến người đi du lịch dễ mắc bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên...
Một số bệnh đường hô hấp có thể phòng ngừa nhờ vaccine như cúm, ho gà, phế cầu. Vì vậy người dân nên chủ động tiêm chủng trước khi du lịch. Nhóm bệnh có khả năng xâm nhập cơ thể thông qua đường hô hấp cũng cần chủng ngừa trước, gồm sởi, não mô cầu, rubella, thủy đậu. Trong đó, vaccine cúm cần tiêm nhắc hàng năm để cập nhật hệ miễn dịch, phòng các chủng cúm đang lưu hành.
Bệnh tiêu hóa
Nhiều khách du lịch mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, đặc sản địa phương. Tuy nhiên, việc này cũng có thể khiến người đi du lịch mắc bệnh về đường tiêu hóa do chưa quen thuộc với môi trường, khí hậu, cách chế biến thực phẩm... Mầm bệnh có thể nhân cơ hội tấn công, gây bệnh về đường tiêu hóa như tả, thương hàn.
Vì vậy, người dân nên chủng ngừa thêm hoặc tiêm nhắc các vaccine phòng hai bệnh tiêu hóa nói trên, để đảm bảo sức khỏe cho chuyến du lịch. Vaccine tả uống nhắc mỗi hai năm hoặc di chuyển đến nơi nguy cơ dịch tả đang lưu hành. Mũi phòng thương hàn nhắc lại mỗi ba năm hoặc khi có nguy cơ nhiễm bệnh.
Uốn ván, viêm gan B
Việc đi du lịch, khám phá các vùng rừng, núi ở nước ngoài có thể xảy ra tai nạn dẫn đến vết thương, trầy xước trên cơ thể, tạo điều kiện cho mầm bệnh uốn ván tấn công. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa uốn ván bằng vaccine rất cần thiết.
Bên cạnh đó, người đi du lịch nên chủng ngừa viêm gan B, do bệnh có vùng lưu hành dịch tễ rộng, tại nhiều khu vực như châu Á, châu Phi, vùng Trung và Nam Mỹ... Mầm bệnh cũng có thể lây thông qua sử dụng chung vật dụng cá nhân như dao cạo, lưỡi lam, nhíp, kìm cắt móng.
Hiện vaccine uốn ván có vaccine đơn và vaccine kết hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm nhắc mỗi 10 năm sau lịch tiêm cơ bản hoặc khi có vết thương. Vaccine viêm gan B cần xét nghiệm xác định kháng nguyên, kháng thể trước khi tiêm và tiêm nhắc khi nồng độ kháng thể giảm.
Bệnh từ côn trùng, động vật
Người chuẩn bị du lịch nước ngoài nên chú ý thêm một số bệnh từ côn trùng, động vật như dại, sốt vàng, viêm não Nhật Bản... Trong đó, virus gây bệnh dại có thể tồn tại trên nhóm động vật có vú máu nóng như khỉ, chồn, chó, mèo, dơi... Hiện vaccine dại thế hệ mới có thể chủ động dự phòng trước khi bị cắn, giảm số mũi tiêm sau khi phơi nhiễm, hỗ trợ trong trường hợp khó tiếp cận y tế.
Viêm não Nhật Bản lây truyền qua muỗi Culex, phổ biến ở các vùng nông thôn của các nước có khí hậu nóng ẩm. Vaccine phòng bệnh đã được phổ cập trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn.
Sốt vàng thường lưu hành ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và châu Phi. Bệnh lây truyền qua nhiều loài muỗi như Aedes, Haemagogus với các biểu hiện ban đầu gồm sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn. Vaccine sốt vàng được khuyến cáo tiêm ngừa trước khi đến các vùng bệnh lưu hành, sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn đến 60 tuổi.
Ngoài ra, người có dự định du lịch nên tham khảo khuyến cáo vaccine cho khách du lịch của nước sở tại, lịch trình di chuyển; từ đó dự kiến yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng sức khỏe và tình hình dịch bệnh. Việc này giúp bổ sung các mũi tiêm đầy đủ, chủ động phòng bệnh tốt hơn.
Hầu hết vaccine cần khoảng hai tuần để cơ thể sinh kháng thể đầy đủ. Người có dự định du lịch cần dự trù thời gian hợp lý, tham khảo thêm ý kiến bác sĩ tiêm chủng để có lịch tiêm phù hợp nhất.
Nhật Linh