Trả lời:
Viêm não Nhật Bản diễn ra quanh năm và thường đạt cao điểm gây bệnh vào các tháng hè vì hai nguyên nhân chính.
Đầu tiên, mùa hè là khoảng thời gian trùng với mùa trái cây chín. Việc này thu hút nhiều loại chim hoang dã mang mầm bệnh đến kiếm ăn sau đó lây truyền cho gia súc như heo, trâu, bò... Thông qua muỗi, mầm bệnh lây sang người.
Thứ hai, mùa hè kèm mưa là cao điểm sinh sôi của các loài muỗi. Có hơn 30 loài là trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, trong đó muỗi Culex phổ biến nhất, thường sinh sản nhiều vào tháng 5-7 hàng năm.
Viêm não Nhật Bản là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở cả trẻ em và người lớn tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi với tỷ lệ tử vong khoảng 30%. Khoảng 50% người khỏi bệnh gặp các di chứng về vận động và thần kinh như điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, có hai biện pháp phòng ngừa là tiêm ngừa và không cho muỗi sinh sôi. Vaccine hiện được cung cấp miễn phí thông qua chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hoặc các đơn vị tiêm chủng trả phí. Mỗi loại vaccine sẽ có phác đồ và lịch tiêm nhắc khác nhau.
Trường hợp bạn đã 30 tuổi, không thuộc phạm vi đối tượng phục vụ của TCMR, có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn phác đồ cụ thể.
Bên cạnh đó, để ngăn muỗi, gia đình cần chú ý không để đọng nước quanh môi trường sống và trong nhà ở. Nếu xung quanh khu vực sinh sống có mương, cống rãnh, mọi người nên nạo vét thường xuyên, không xả rác bừa bãi tạo thành vũng nước đọng. Bên cạnh đó, mọi người không để muỗi đốt bằng cách ngủ màn và mặc quần áo dài tay.
Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC