Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho biết những người từng bị chấn thương và có bệnh viêm xương khớp ví dụ ở vùng cột sống, khớp tay, chậu hông, háng, đầu gối... hoặc viêm khớp dạng thấp thường rất mệt mỏi, đau nhức khi trời trở lạnh. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra nguyên nhân là người viêm khớp nhạy cảm với thay đổi áp suất không khí và từ trường. Khi áp suất không khí thay đổi, cơ gân và mô sẹo có thể bị giãn, nhiệt độ thấp làm cho dịch khớp trở nên dày, quánh hơn, gây khô cứng khớp.
Vì vậy, thời tiết được coi là yếu tố thuận lợi khiến xương khớp dễ bị đau hơn, mặc dù không trực tiếp làm cho bệnh xương khớp hoặc cơn đau tăng lên. Các chứng này sẽ hết khi thời tiết trở nên ấm áp hơn. Từ đây, bác sĩ Thủy khuyến cáo mọi người cần luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vùng khớp bị chấn thương hoặc có bệnh viêm. Mọi người nên tắm với nước ấm, mặc nhiều lớp quần áo, sử dụng chăn điện vào ban đêm và các thiết bị làm ấm trong nhà. Ở khu vực đau khớp, mọi người có thể sử dụng một miếng đệm ấm để làm dịu cơn đau.
Người có bệnh khớp nên tránh mang vác vật nặng, duy trì hoạt động thể chất để giảm cân. Như vậy, khớp không phải chịu sức nặng, giảm tải, từ đó giảm đau đớn. Mội người cũng cần duy trì chế độ tập luyện và cân bằng trọng lượng cơ thể bằng những bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đi bộ, đạp xe để tăng sức mạnh cho xương khớp, tim mạch. Không nên ngồi xổm, quỳ gối, mang vác vật nặng... Nếu có chấn thương, từng phẫu thuật xương khớp, cần điều trị cho đến khi vết thương ổn định, để tránh bị đau khi chuyển mùa.
Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng đóng vai trò tích cực trong điều trị các bệnh về xương khớp. Mọi người nên hạn chế sử dụng những đồ ăn nhiều dầu mỡ, đặc biệt từ mỡ động vật và bổ sung dầu thực vật, omega 3 và dầu cá.
Chi Lê