Hiện nhiều địa phương ghi nhận hàng loạt ca nhiễm, ổ dịch mới ngoài cộng đồng và phải tạm thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao (3, 4) theo Nghị quyết 128. Theo đánh giá của PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM), các tỉnh có độ bao phủ vacicne phòng Covid-19 thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch. Đặc biệt, ở các vùng đỏ, cam, nếu tỷ lệ tiêm ở người trên 50 tuổi chưa đạt 80%, khi có dịch, tỷ lệ ca bệnh trở nặng và tử vong ở nhóm chưa tiêm chủng sẽ khá cao, có thể gây quá tải lên hệ thống y tế.
Do đó, để phòng tránh lây nhiễm, ông khuyến cáo người dân tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như 5K của Bộ Y tế, giữ không gian sống thoáng khí; hoặc chủ động tiêm chủng, xét nghiệm khi được yêu cầu. Ngoài ra, Covid-19 thường lây lan mạnh trong vùng không gian kín, chật hẹp, nên hạn chế đến những nơi đông người như chợ, quán ăn nhỏ mở điều hòa... Trường hợp có triệu chứng nghi ngờ (ho, sốt, đau họng, khó thở...) hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch khác, cần khai báo ngay với y tế địa phương, cơ quan chức năng để có biện pháp xử trí, tránh dịch lây lan. Điều này rất quan trọng, vừa giúp dập dịch sớm, vừa ứng phó kịp thời nếu người bệnh diễn tiến nặng.
Nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin A, C, E, D; uống đầy đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, để cơ thể giữ ẩm, giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc, cũng như bài tiết dịch mũi và các tác nhân gây bệnh thông thường.
"Biện pháp cốt lõi là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, dù bạn ở nông thôn hay thành thị", phó giáo sư Dũng nói.
Gia đình có người lớn tuổi, có bệnh nền hoặc người sống một mình nên trữ sẵn trong nhà gói thuốc A, bao gồm hạ sốt, vitamin tăng đề kháng cùng khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn. Thuốc kháng viêm, kháng đông, bắt buộc phải có hướng dẫn của bác sĩ mới được sử dụng. Nếu có chỉ định đi cách ly tập trung, người bệnh cần tuân thủ.
Ông khuyên "người dân vùng đỏ, cam tuyệt đối không vì quá lo lắng mà tự di chuyển tới vùng xanh để tránh dịch hoặc tìm kiếm hỗ trợ y tế khi chưa cần thiết". Bởi, nguy cơ lây nhiễm ở nông thôn thưa dân cư sẽ thấp hơn nhiều so với khu vực thành phố và trong quá trình di chuyển có thể gây ra lây nhiễm chéo. Thậm chí, đổ dồn về các thành phố lớn, nơi có hệ thống y tế vốn dĩ đang căng thẳng sẽ gây thêm áp lực, y tế quá tải có thể sẽ kéo giảm chất lượng, hiệu quả điều trị.
Chia sẻ về góc độ tâm lý, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, nỗi bất an, lo lắng của người dân vùng dịch luôn thường trực. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như sự lây lan của dịch bệnh, mất việc làm, không có thu nhập, đôi khi là cả sự kỳ thị của người khác. Chưa kể đến sự bủa vây của tin tức dịch bệnh mỗi ngày càng đẩy cao tâm lý bức bối, khó chịu, dễ nảy sinh cáu gắt, bạo hành người khác hoặc mất ngủ, ăn không ngon. Một số người bị căng thẳng thần kinh thì đau dạ dày hoặc suy nhược cơ thể. Bị tấn công cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, đứng trước Covid-19, họ dễ đánh gục.
Theo bác sĩ Thu, cách tốt nhất để trấn an tâm lý cho bản thân và gia đình là tránh xem những thông tin tiêu cực về dịch bệnh, nhất là những thông tin không chính thống. Thay vào đó, trong những ngày giãn cách tại nhà, bạn nên dành thời gian để làm những việc thoải mái hơn, như đọc sách, lên youtube tập yoga, thiền, tập thể dục hoặc học nấu ăn... Mỗi người nên tận dụng khoảng thời gian giãn cách ở nhà để thiết lập lại nếp sinh hoạt, bố mẹ nên dành thời gian cho con cái nhiều hơn, sắp xếp thu dọn nhà của cũng là cách làm mới không gian sống, làm tâm trạng phấn chấn.
Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) trả lời phỏng vấn của VnExpress hôm 11/8 cũng cho rằng suy nghĩ tích cực là một bí kíp vượt qua áp lực do đại dịch. Thay vì nằm nhà chờ đợi dịch bệnh hết, mỗi người cần thay đổi thói quen, làm cho hoạt động cá nhân không ngưng trệ. Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập, lúc này, gia đình nên ngồi trao đổi với nhau về kế hoạch của cuộc sống, có thể tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nếu cần thiết, ông khuyến khích.
Thư Anh - Thúy Quỳnh