Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, cho biết đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Gánh nặng y tế, kinh tế và xã hội không đến từ tử vong mà là do di chứng tàn phế sau đột quỵ. Bộ Y tế ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 người đột quỵ. Riêng Bệnh viện Nhân dân 115 hàng năm tiếp nhận khoảng 15.000 ca. Trong đó, khoảng 70% bệnh nhân không thể trở lại làm việc bình thường như trước khi đột quỵ, 16% di chứng nặng.
"Vấn đề là làm sao tiếp cận người bệnh sớm nhất, can thiệp tái thông mạch máu kịp thời", bác sĩ Thắng thông tin tại Hội nghị nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện trong điều trị đột quỵ não cấp, do Trung tâm cấp cứu 115 tổ chức ngày 28/10.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, đột quỵ luôn là bệnh lý được ưu tiên của ngành y tế. Tới đây, Sở sẽ giao Trung tâm Cấp cứu 115 cùng Hội đột quỵ TP HCM tạo nên mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoại viện chuyên biệt. Nhân viên cấp cứu ngoại viện sẽ được đào tạo chuyên sâu kỹ năng, chuyên môn nhận biết, xử trí đột quỵ. Từ đó, tranh thủ quãng thời gian 4,5 giờ "vàng", đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện có chuyên khoa đột quỵ, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
"Bệnh viện Quân y 175, trực thuộc Bộ Quốc phòng, mong muốn cùng Sở Y tế mở rộng hoạt động cấp cứu bằng trực thăng. Tôi hy vọng các cơ quan sẽ hợp tác chặt chẽ để có thể cứu được nhiều bệnh nhân đột quỵ, bệnh nặng ở vùng sâu, vùng xa hơn nữa", ông Thượng nói.
Hiện, Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM có 34 trạm cấp cứu vệ tinh phủ rộng khắp 24 quận, huyện. Từ khi thành lập trung tâm năm 2015 đến nay đã có gần 70.000 lượt bệnh nhân được vận chuyển đến bệnh viện. Nhiều ca đột quỵ được sơ cấp cứu, vận chuyển an toàn, kịp thời.
"Nhân viên cấp cứu ngoại viện phải chạy đua với thời gian để cứu tính mạng bệnh nhân, đặc biệt khi xác định được bệnh nhân đột quỵ thì 'thời gian là não', không được chậm trễ dù một giây", bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho hay.
Bác sĩ Thắng cũng chỉ ra ba dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh nhân đột quỵ. Đó là méo mặt, liệt tay và chân cùng một bên, nói đớ. Ông đặc biệt lưu ý nhân viên cấp cứu ngoại viện, khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ cần hỏi rõ thời gian khởi phát bệnh. Trước khi đưa bệnh nhân đến cần gọi trước để bệnh viện chuẩn bị sẵn, rút ngắn thời gian tối đa. Đồng thời, phải can ngăn người nhà, nếu họ muốn cho bệnh nhân ăn uống bất kỳ loại thức ăn hoặc thuốc trong lúc này, tránh nguy cơ viêm phổi hít, biến chứng chồng biến chứng.
Thư Anh