Chiều 11/2 (30 Tết), thời tiết thành phố nắng nóng và oi bức. Tuy nhiên, phía trong những hàng rào tôn cao hơn 2 m tại công trình hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), không khí thi công vẫn tất bật, khẩn trương. Nhóm kỹ sư, công nhân hơn chục người do anh Nguyễn Nam Hải chỉ huy trưởng hối hả tháo dựng cốt thép, lắp khuôn đổ bêtông cho đoạn hầm hở dài hơn 50 m. Dưới lớp khẩu trang kín mít phòng Covid-19 và tránh bụi, công nhân nhễ nhại mồ hôi. Mỗi người một việc, họ tỉ mỉ làm từng công đoạn theo yêu cầu của kỹ sư và đơn vị giám sát để công trình đảm bảo chất lượng.
Phần lớn công nhân tại đây quê Cần Thơ, Long An, Tiền Giang... Dù không xa TP HCM nhưng dịch phức tạp và muốn kiếm thêm thu nhập ngày Tết nên họ tình nguyện ở lại, đón xuân trên công trường. "Cũng chạnh lòng khi không được sum họp với gia đình nhưng tôi ráng làm qua Tết rồi về thăm nhà", Nguyễn Trượng Nghĩa, nam công nhân 28 tuổi, quê Cần Thơ nói và chia sẻ những người ở lại nhận được sự động viên từ chính quyền TP HCM lẫn chủ đầu tư.
Theo chỉ huy công trường Nguyễn Nam Hải, thời gian làm việc của các công nhân ngày Tết vẫn duy trì bình thường với hai ca sáng chiều. Trên công trường hiện có hơn chục loại máy móc, thiết bị phục vụ thi công được huy động. Trong đó ba cần cẩu từ 25-50 tấn cùng các loại máy đào, giàn ép cọc... sẽ hoạt động liên tục để đẩy nhanh gia cố nền, làm khung tường vây xung quanh cho phần hầm hở phía trái công trình. Vật liệu cũng được tập kết trước đó để chuẩn bị cho công việc dịp Tết.
"Dịch bệnh khiến người dân đi lại ít hơn vào ngày Tết là điều kiện thuận lợi để thi công. Anh em ở lại cùng động viên nhau vì mục tiêu đẩy nhanh dự án", anh Hải nói và cho biết để phòng Covid-19, công nhân được đo thân nhiệt khi vào công trình, đồng thời đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hiện được thi công trước phần hầm hở trên tuyến Nguyễn Văn Linh. Đoạn chui qua giao lộ với đường Nguyễn Hữu Thọ chờ di dời hạ tầng kỹ thuật phía dưới và đảm bảo giao thông ở khu vực nên làm sau.
Công trình trước đó khởi công tháng 4/2020 với tổng vốn 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Dự án làm hai hầm chui mỗi chiều trên đường Nguyễn Văn Linh dài 480 m cùng các nhánh rẽ, đảo tròn trung tâm phía trên. Ngoài ra công trình xây các nhánh vào nút giao, đảo tròn trung tâm trên mặt đất; bổ sung hệ thống thoát nước, cây xanh... Dự kiến hai hầm hoàn thành năm 2022, giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía Nam TP HCM và tạo điều kiện cho xe từ Nguyễn Hữu Thọ ra tới cầu Kênh Tẻ vào trung tâm thành phố thông thoáng hơn.
Cách đó khoảng 7 km, dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và Bình Thạnh) cũng thi công xuyên Tết. Công trình thực hiện trên đoạn dài 3,2 km, từ giao lộ với đường Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn. Trong đó từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm đã hoàn thành. Đoạn còn lại từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn, dài hơn 500 m bị lún nặng, thời gian qua được chia thành nhiều mũi thi công ngày đêm để kịp hoàn thành trước ngày 30/4.
Do là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông thành phố, mật độ xe lớn nên để vừa thi công vừa khai thác, việc cải tạo đường được nhà thầu thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, xong đoạn nào tái lập đoạn đó. Hiện, phần giữa tuyến đã cơ bản hoàn thành nâng nền và cho xe chạy. Hai bên đang rào chắn để hơn 20 loại máy móc, thiết bị và vật liệu phục vụ thi công. Những ngày gần Tết, công việc càng bận rộn hơn, nhiều hạng mục thi công vào ban đêm. Giữa không khí nhộn nhịp người đi mua sắm, vui chơi, chuẩn bị đón Tết, các công nhân xa gia đình không khỏi chạnh lòng.
Anh Phạm Thanh Tuấn, 32 tuổi, làm việc tại công trình nói Tết này nói anh cùng vợ quyết định ở lại thành phố để tiết kiệm chi phí và làm thêm lo cho con trai 6 tuổi ăn học cũng như gửi về quê phụ giúp gia đình tại Thái Bình. Đây là năm đầu tiên anh đón Tết tại Sài Gòn. "Ngày công dịp Tết cao gấp ba ngày thường nên tôi quyết định ở lại. Năm nay dịch bệnh, công việc của vợ không ổn định nên cố gắng làm để dành tiền do sau Tết nhiều thứ cần chi tiêu", anh Tuấn nói.
Những ngày Tết, trên công trường dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh được duy trì khoảng 30 kỹ sư, công nhân. Công việc chính hiện là gia cố nền đất yếu và lắp đặt đường cống thoát nước dọc hai bên trước khi nâng nền và trải nhựa. "Do việc nâng cấp thực hiện trên tuyến đường cũ nên hạ tầng kỹ thuật phía dưới như điện, cấp thoát nước, viễn thông... chằng chịt. Vừa qua, các bên liên tục cập nhật, xử lý để đẩy nhanh tiến độ", ông Phan Đức, Trưởng dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, nói.
Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh khởi công tháng 10/2018, tổng vốn 473 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành góp phần giải quyết ngập úng kéo dài nhiều năm nay ở khu vực.
Gia Minh