Chủ nhật, 15/9/2024
Thứ bảy, 16/1/2021, 10:32 (GMT+7)

Tất bật thi công đường Nguyễn Hữu Cảnh trong đêm

TP HCMHơn 50 công nhân cùng nhiều máy móc tất bật làm việc để dự án nâng cấp "con đường đau khổ" Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) kịp hoàn thành trong tháng 4.

Dự án nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và Bình Thạnh) dài hơn 3 km khởi công tháng 10/2018 với tổng vốn 473 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đầu tư. Hiện, đoạn từ giao lộ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm đã xong. Đoạn còn lại từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn, dài hơn 500 m bị lún nặng, được rào chắn để thi công.

Ông Phan Đức, trưởng dự án cho biết, công trình đã đạt khoảng 70% khối lượng và sẽ thi công xuyên Tết Tân Sửu để hoàn thành trước 30/4. Trên công trường hiện duy trì khoảng 70 loại máy móc, thiết bị, xe vận chuyển cùng khoảng 150 công nhân chia làm nhiều mũi thi công ngày đêm. Tùy hạng mục và điều kiện thi công, đêm có hơn 50 kỹ sư, công nhân làm việc.

Tại công trường gần chân cầu Sài Gòn, anh Nguyễn Trường Phúc điều khiển máy khoan xử lý nền đất yếu, gia cố nền, giảm lún... Đây là một trong những công đoạn đầu tiên khi nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh.

"Tôi làm ở đây được hai tháng rồi, chủ yếu làm đêm. Công việc khá căng thẳng, cả đêm cứ ngồi trên cabin máy, phải tập trung cao để khoan chính xác", nam công nhân 32 tuổi nói.

Cách đó vài mét, anh Ngọc Năm hàn gia cố các mũi khoan cọc nhồi bị mẻ trong quá trình thi công.

Tại đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, nhóm công nhân cùng máy xúc, xe ben... tất bật đào đường để di dời hệ thống thoát nước cũ và lắp mới.

"Do cải tạo trên đường cũ nên hạ tầng kỹ thuật phía dưới như điện, cấp thoát nước, viễn thông... chằng chịt. Các bên phải liên tục cập nhật, phối hợp xử lý đẩy nhanh tiến độ", ông Phan Đức nói.

Ở đoạn khác nhóm công nhân của Công ty Cấp nước Gia Định cũng lắp đường ống cấp nước mới để đảm bảo đồng bộ với việc nâng đường. Công việc này thường làm về đêm và trước đó các phương án sẽ được thông báo cho người dân để tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Dự án sẽ nâng mặt đường cao 0,5 - 1,2 m. Nhà dân hai bên bị trũng thấp sẽ được bố trí vỉa hè rộng phía trước để xây bậc tam cấp; làm đường dốc để thuận tiện đi lại.

Tuyến đường cũng được thay cống thoát nước, bổ sung rãnh thu nước ở các giao lộ để tăng khả năng tiêu thoát từ các hẻm.

Trước cổng chung cư The Manor, cần cẩu liên tục xúc đất, đóng cọc... để thi công đường cống thoát nước cỡ lớn, có đường kính rộng 2 m. Công việc này phần lớn sử dụng máy móc cơ giới thay vì sức người.

Ở đoạn đường Điện Biên Phủ giao với Nguyễn Hữu Cảnh, các máy ủi đang lu lèn sau khi cấp phối đá dăm nền đường. Tại đoạn này, một phần đường Điện Biên Phủ cũng được nâng nền để đồng bộ.

Cùng với xe lu, nhóm công nhân tất bật cào lại đá dăm trước khi tái lập mặt đường. Việc cải tạo, nâng cấp đường theo hình thức cuốn chiếu, xong đoạn nào tái lập mặt đường đoạn đó.

Anh Trần Văn Cường đưa máy bơm vào các hố ga trên mặt đường để lấy nước tưới đá dăm khi lu lèn nền đường.

Công nhân tưới nước lên đá dăm trước khi thi công ủi, nén để nâng đường.

Những ngày này, nhiệt độ xuống 19 độ C nên anh Đào Văn Xuyền, 40 tuổi, thường mang khăn quấn kín từ mặt đến cổ, mặc hai lớp áo, đeo bao tay khi làm ca đêm.

Anh Xuyền mới vào TP HCM làm công trình hai tháng nay. Công việc chủ yếu là cào đá, tưới nước, đổ bêtông... Anh thường chọn làm ca đêm vì lương cao hơn so với ca ngày, khoảng 500.000 đồng mỗi đêm.

"Với tôi, công việc này vui, phù hợp với mình vì không cần chuyên môn cao mà thu nhập cũng ổn. Tôi ráng làm đêm một thời gian để có ít tiền về quê ăn Tết", công nhân quê Thái Bình nói.

Khoảng 2h, khi đến ca nghỉ giữa giờ, ông Đặng Minh Trí nghỉ ngơi và pha mì ly ăn nhẹ. Công việc chính của ông là phụ máy khoan và trộn vữa, một tuần làm đêm khoảng 4 buổi.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành năm 2002 với vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường này bị lún và ngập nặng; hạng mục cầu Văn Thánh 2 bị hư hỏng. Năm 2007, thành phố chi hơn 141 tỷ đồng để sử cầu và 4 tỷ đồng bồi thường các nhà dân bị lún, nứt bởi quá trình thi công dự án.

Hơn chục năm qua, con đường này lọt vào danh sách các điểm ngập nặng ở thành phố - được gọi là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ".

Đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 và Bình Thạnh. Ảnh: Khánh Hoàng.

Quỳnh Trần - Giang Anh