Khu Nam TP HCM gồm quận 7, 8 và huyện Nhà Bè những năm gần đây có nhiều dự án nhà ở khiến dân số và mật độ tăng cao so với trước. Điều này khiến giao thông ở khu vực quá tải, đặc biệt các tuyến đường kết nối khu Nam với trung tâm thành phố ngày càng kẹt xe trầm trọng. Hiện, từ Nhà Bè, quận 7 vào quận 1 và 4 có hai trục đường chính là Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ và Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - đường Nguyễn Tất Thành. Ở phía quận 8 vào trung tâm đi theo trục đường Dương Bá Trạc qua các cầu Kênh Xáng, Nguyễn Văn Cừ; cầu Chữ Y.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, giúp xe đi từ khu Nam vào trung tâm thành phố dễ dàng hơn, ngoài việc nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ và Chữ Y đã triển khai, thời gian tới TP HCM sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông ở khu Nam, trong đó tập trung vào 3 dự án lớn là cầu Nguyễn Khoái, Thủ Thiêm 4 và hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Dự án cầu Nguyễn Khoái ban đầu có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, kết nối quận 7 qua quận 4, nhưng đến nay chưa triển khai. Lý do chậm thực hiện ngoài việc thiếu vốn, phía UBND quận 4 lo ngại dự án tạo thêm điểm ùn tắc mới, trong bối cảnh khu vực này luôn kẹt xe nghiêm trọng, nên kiến nghị điều chỉnh phương án cho phù hợp.
Ở phương án mới, dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1, quận 7 (dự án khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ) đến quận 1 và có nhánh rẽ xuống quận 4. Các xe từ quận 7 đi quận 1 (và ngược lại) bằng cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái, cầu vượt Kênh Tẻ và cầu vượt kênh Bến Nghé, kết nối đường Võ Văn Kiệt. Nhờ đó dự án giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội bộ quận 4, chia sẻ áp lực giao thông với các trục đường từ khu Nam về trung tâm thành phố như Khánh Hội - cầu Kênh Tẻ - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ - Dương Bá Trạc...
Hiện, dự án đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư và là một trong 55 công trình trọng điểm được Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2021, trình HĐND thành phố thông qua kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025. Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách với tổng vốn hơn 2.500 tỷ đồng.
"Công trình sẽ được triển khai ngay khi được thông qua tại kỳ họp HĐND TP HCM gần nhất. Dự kiến năm 2021 dự án sẽ được thiết kế, khảo sát và chuẩn bị thi công trong năm 2022", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và 2, dài gần 2,2 km, rộng 28 m, quy mô 6 làn xe sau nhiều năm trì trệ do khó khăn về vốn, mới đây được TP HCM tái khởi động khi đề xuất chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, với tổng vốn 5.300 tỷ đồng. Điểm đầu công trình dự kiến từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát kết nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7).
Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4. Cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành giúp rút ngắn thời gian đi lại từ quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh qua các quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Dự án ngoài việc thúc đẩy Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển còn có vai trò kết nối giao thông từ khu Đông với khu Nam mà xe không phải chạy vòng qua các quận trung tâm, giảm ùn tắc cho các trục đường hiện hữu.
Trong 3 dự án trọng điểm, công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã được triển khai từ hồi tháng 4, với kinh phí giai đoạn một 830 tỷ đồng. Công trình làm hai hầm chui dài 480 m cùng các nhánh rẽ, đảo tròn trung tâm phía trên. Dự kiến hai hầm hoàn thành năm 2022, hạn chế giao cắt giữa các hướng đi và giảm kẹt xe qua nút giao này, tạo điều kiện cho xe từ Nguyễn Hữu Thọ ra tới cầu Kênh Tẻ vào trung tâm thành phố thông thoáng hơn.
Ở giai đoạn hai, dự án sẽ hoàn chỉnh nút giao với hai cầu vượt, hai hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng (780 tỷ đồng cho xây dựng, còn lại là tiền giải phóng mặt bằng). Toàn bộ công trình được kỳ vọng giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Nam thành phố.
Gia Minh