Từ năm 2000 đến nay, ông Putin đã trải qua ba nhiệm kỳ tổng thống, một nhiệm kỳ thủ tướng và với chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 18/3, ông bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, tiếp tục lãnh đạo đất nước đến năm 2024.
Giới chuyên gia nhận định ông Putin giành chiến thắng nhờ nhiều yếu tố, bao gồm khôi phục hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế, đặc biệt thông qua chiến dịch quân sự tại Syria. Song yếu tố quan trọng nhất giúp Putin thu phục sự ủng hộ áp đảo từ cử tri lại nằm ở chính các thành tựu kinh tế mà nước Nga đạt được. Tờ Sputnik điểm lại những thành tựu mà Putin đã tạo ra cho nước Nga trong 18 năm cầm quyền.
Kinh tế, cuộc sống người dân khởi sắc
Trước thời điểm Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, GDP bình quân đầu người quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) ở Nga là 9.889 USD. Con số này đã tăng gần gấp ba vào năm 2017 và giờ đây đạt 27.900 USD. Nga là nước có GDP bình quân đầu người quy đổi theo PPP cao nhất trong số những thành viên khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong 18 năm Putin dất dắt đất nước, lương trung bình hàng tháng của người lao động Nga đã tăng 11 lần, từ mức 61 USD lên mức 650 USD. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% xuống còn 5,2%.
Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với mức GDP tính theo PPP đạt 4.000 tỷ USD. Công ty kiểm toán PwC dự báo vào năm 2050, Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Vào năm 1999, GDP của Nga tính theo PPP chỉ đạt 620 tỷ USD. Như vậy, trong 18 năm qua, GDP Nga đã tăng 600%.
Tỷ lệ lạm phát cũng đã giảm từ 36,5% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2017. Tổng giá trị tài sản trong hệ thống ngân hàng của Nga tăng 24 lần lên mức 1.430 tỷ USD. Vốn hóa thị trường chứng khoán Nga tăng 15 lần lên mức 621 tỷ USD.
Nợ công giảm, dự trữ ngoại hối tăng
Khi Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, Nga chỉ có 12 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối nhưng kèm thêm khoản nợ công lên đến 92,1% GDP. Gần hai thập kỷ qua, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ khi nợ công hiện nay của Nga đã giảm xuống, chỉ còn ở mức 17,4% GDP, trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD.
Giới phân tích đánh giá nợ công thấp, dự trữ ngoại hối lớn đã giúp Nga sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và thời kỳ suy thoái 2014 - 2016 khi giá dầu thô lao dốc và Nga chịu một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ và các cáo buộc cho rằng Moscow hẫu thuận lực lượng ly khai làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Dự trữ vàng của Nga đã tăng hơn 500% so với thời điểm năm 2000. Tháng 12/2017, Ngân hàng Trung ương Nga bổ sung thêm 9,3 tấn vàng vào kho dự trữ, nâng tổng lượng vàng dự trữ lên mức kỷ lục 1.838 tấn, tương đương 76 tỷ USD.
Dù nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu dầu và khí đốt, ngành nông nghiệp nước này đã bùng nổ những năm gần đây. Nông dân Nga thu hoạch được vụ mùa lớn kỷ lục vào năm 2017 với 130 triệu tấn ngũ cốc. Năm 2016, Nga trở thành nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Kể từ đầu thập niên 2000 đến nay, thị phần lúa mỳ của Nga trên toàn cầu đã tăng gấp 4 lần từ 4% lên 16%.
Dù vẫn còn một khoảng cách xa với ngành năng lượng, nông nghiệp đã vượt qua vũ khí để trở thành ngành mang lại nguồn thu lớn thứ hai cho quốc gia. Nga bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc vào năm 2002 với con số chỉ khoảng hơn 7 triệu tấn. Nga dự kiến xuất khẩu được 45 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2017 - 2018, tăng hơn 600% so với 15 năm trước.
Vượt qua cuộc khủng hoảng giá dầu
Năng lực chèo lái nền kinh tế của ông Putin được đặc biệt thể hiện rõ qua việc ông đưa đất nước vượt qua cuộc suy thoái kinh tế do giá dầu lao dốc vào năm 2014, cây bút Chris Miller từ tạp chí Foreign Affairs nhận xét.
Cuối năm 2014, tạp chí Time giật tít gây chú ý: "Putin nhìn nền kinh tế Nga sụp đổ cùng tầm vóc của mình". Dầu khí, đóng góp khoảng một nửa ngân sách Nga, do vậy, Time có cơ sở khi nêu ra dự báo trên. Hơn nữa, trong cùng năm đó, phương Tây áp đặt gói biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với các ngân hàng, công ty năng lượng và ngành quốc phòng Nga, cắt đứt sợi dây huyết mạch kết nối các công ty lớn nhất Nga với thị trường vốn quốc tế.
Nhiều nhà phân tích ở Nga cũng như nước ngoài cho rằng cuộc khủng hoảng quốc tế sẽ đe dọa chiếc ghế của Tổng thống Putin. Nhưng đến nay, thực tế cho thấy tình hình nước Nga khác xa với viễn cảnh mà họ mường tượng.
Hiện tại, nền kinh tế Nga đã đi vào ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp kỷ lục và ngân sách trở nên cân bằng hơn. Theo Chris Miller, Nga đã vượt qua hai thách thức giá dầu sụp đổ và gói biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhờ chiến lược kinh tế ba trọng điểm của Putin.
Thứ nhất, ông tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách giữ nợ công và lạm phát ở mức thấp. Thứ hai, ông tập trung trấn an người dân bằng cách giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng lương hưu. Thứ ba, ông cải thiện tính hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển ở khu vực này không xung đột với các mục tiêu chính trị.
Thành công của chiến dịch chống tham nhũng
Viết trên trang off-guardian.org, bình luận viên Alex Krainer ghi nhận những nỗ lực chống tham nhũng của ông Putin. Vào năm 2000, Nga là một trong những nước có vấn nạn tham nhũng trầm trọng nhất thế giới. Kể từ sau khi lên nắm quyền, Putin đã kiểm soát và hạn chế quyền lực các nhà tài phiệt cũng như dần đưa nước Nga trở về với thượng tôn pháp luật.
Năm 2016, Nga đã giảm cảm nhận tham nhũng về mức ngang bằng với Mỹ. Điều này được thể hiện trong báo cáo tham nhũng hàng năm của công ty kiểm toán Ernst & Young. Trong cuộc khảo sát ở Nga, 34% người dân nói rằng tham nhũng đang diễn ra tràn lan tại khu vực kinh doanh, ngang bằng với số ý kiến tương tự ở Mỹ song thấp hơn mức trung bình thế giới là 39%.
Nạn tham nhũng ở Nga giảm mạnh sau khi Putin phát động chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào các chính trị gia cấp cao, kể cả những thành viên trong đảng của ông.
Có thể thấy bằng chứng rõ nhất về hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng thông qua cuộc khảo sát doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện với câu hỏi: "Liệu một một món quà hay một khoản chi trả không chính thức là điều được mong đợi hay được yêu cầu trong cuộc gặp với các quan chức thuế?".
Năm 2005, gần 60% người tham gia khảo sát ở Nga trả lời "Đúng". Vào năm 2009, tỷ lệ này giảm về 17,4% và đến năm 2012, chỉ còn 7,3%.
Hồng Vân