Thế giới

16 ngày trong thành phố Ukraine bị vây hãm

Phần lớn nhà cửa ở Mariupol không còn nguyên vẹn, khi pháo kích liên tục dội xuống thành phố cảng phía nam Ukraine.

Ba tuần kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều thành phố lớn của nước này dần trở thành mục tiêu của các cuộc vây hãm lớn. Kể từ ngày 1/3, các đợt không kích và pháo kích vẫn trút xuống gần như mỗi phút, biến thành phố cảng với khoảng 430.000 dân trở thành biểu tượng cho chiến sự ác liệt giữa quân đội Nga và lực lượng Ukraine.

Thành phố cảng Ukraine dần rơi vào hỗn loạn, khi bệnh viện phụ sản, sở cứu hỏa, nhà thờ, nhà dân và nhiều khu vực khác đã trúng bom, đạn pháo.

"Suốt 16 ngày qua, thành phố hứng chịu 50-100 quả đạn pháo mỗi ngày", hội đồng chính quyền Mariupol hôm 17/3 cho biết. "Hơn 350.000 dân vẫn phải ẩn náu trong các hầm trú ẩn, tầng hầm do các đợt oanh kích liên tục. Khoảng 80% nhà cửa trong thành phố đã bị đánh trúng, trong đó 30% bị phá hủy hoàn toàn".

Vụ nổ xảy ra ở một tòa chung cư tại thành phố Mariupol, miền nam Ukraine hôm 11/3. Ảnh: AP.

Đối với những người ở lại thành phố, họ đơn giản không còn nơi nào để đi. Các con đường xung quanh đã bị tàn phá, trong khi các cảng biển bị phong tỏa. Thực phẩm dần cạn kiệt nhưng nguồn viện trợ nhân đạo khó tiếp cận. Điện nước gần như không có, khiến nhiều người dân phải đun tuyết lấy nước uống.

Một số khác phải phá đồ nội thất để đốt bếp lò tự chế từ gạch và mảnh kim loại, nhằm sưởi ấm đôi tay lạnh cóng và nấu chút đồ ăn ít ỏi còn lại.

Giới chức địa phương cho biết hơn 2.500 người đã thiệt mạng trong cuộc bao vây, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

Trước khi bị tấn công, Mariupol đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ các nhà máy sản xuất sắt thép, cảng nước sâu và nhu cầu toàn cầu lớn. Ngay cả những tuần khủng hoảng nhất của năm 2014, khi thành phố gần như rơi vào tay của lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn, cũng đã mờ dần trong ký ức.

Trong những ngày đầu Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khi mọi người vẫn có thể rời đi, nhiều người dân Mariupol đã chọn ở lại, nghĩ rằng họ có thể đón nhận bất kỳ điều gì xảy ra tiếp theo.

"Tôi từng cảm thấy rất sợ hãi vào năm 2014, nhưng giờ không còn thấy như vậy nữa", Anna Efimova, nói khi đi mua đồ tại một khu chợ hôm 24/2, ngày lực lượng Nga bắt đầu tiến vào Ukraine. "Không có gì phải hoảng sợ. Không có nơi nào để trốn chạy. Chúng ta có thể chạy tới đâu?".

Ngày hôm đó, một đài radar quân sự và sân bay Ukraine trở thành những mục tiêu bị pháo kích đầu tiên. Đạn pháo sau đó có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào, nên mọi người hầu như đều ở trong hầm trú ẩn. Cuộc sống không còn bình thường, nhưng chưa đến mức không thể sống.

Nhưng tới 27/2, mọi thứ bắt đầu thay đổi, khi những nạn nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện thành phố.

Vị trí địa lý của Mariupol, vốn được xem là lợi thế của thành phố, giờ lại trở thành yếu tố dẫn tới thảm cảnh cho nơi đây. Nằm giữa khu vực ly khai ở miền đông Ukraine và bán đảo Crimea, Mariupol có thể trở thành một phần quan trọng trong hành lang trên bộ nối thông hai khu vực nếu Nga có thể kiểm soát thành phố thành công.

Vị trí thành phố Mariupol ở đông nam Ukraine. Đồ họa: AP.

Lực lượng Nga bắt đầu bao vây thành phố từ đầu tháng 3. Bóng tối đã hoàn toàn bao phủ lên Mariupol, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mất điện, truyền hình và đài phát thanh bị cắt. Đài radio trên xe ôtô giờ là mối liên kết duy nhất của họ với thế giới bên ngoài.

Thành phố dần rơi vào hỗn loạn, không lối thoát. Các kệ hàng tạp hóa nhanh chóng bị vét sạch. Cư dân Mariupol nép mình trong những hầm trú ẩn mỗi đêm và chỉ ra đường vào ban ngày để lấy những thứ cần thiết.

Ngày 6/3, giữa lúc tuyệt vọng, nhiều người đã đập phá một số cửa hàng để tìm kiếm những gì có thể có thể lấy được. Một người đàn ông đã bị bắt quả tang khi đang lấy một quả bóng cao su. "Đặt quả bóng xuống ngay. Tại sao anh dám làm như vậy?", chủ cửa hàng tức giận. Nỗi xấu hổ hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông, anh ta vội vã ném lại quả bóng rồi bỏ chạy.

Gần đó, một người lính gần như bật khóc sau khi xử lý một vụ cướp cửa hàng khác. "Mọi người, xin hãy đoàn kết. Đây là nhà của các bạn. Tại sao các bạn lại đập cửa sổ và ăn cắp đồ?", người lính nói.

Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán để thiết lập hành lang nhân đạo đưa dân thường rời khỏi Mariupol đã thất bại trong suốt nhiều ngày. Một đám đông tụ tập trên con đường dẫn ra khỏi thành phố, nhưng một sĩ quan cảnh sát chặn họ lại.

"Các lối ra khỏi thành phố đều bị pháo kích", anh ta nói. "Hãy tin tôi, tôi cũng có gia đình ở nhà và tôi cũng rất lo lắng cho họ. Nhưng hiện tại, chúng ta chỉ có thể an toàn ở trong thành phố này và dưới hầm trú ẩn".

Đêm hôm đó, Goma Janna ngồi co ro bên ngọn đèn dầu, không đủ hơi ấm để xua đi cái lạnh của tầng hầm. Cô quàng một chiếc khăn và mặc chiếc áo len màu xanh ngọc, lấy tay gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Phía sau cô, một nhóm nhỏ phụ nữ và trẻ em ngồi thu mình trong bóng tối, run rẩy nghe tiếng nổ vang bên ngoài.

"Tôi muốn về nhà, tôi muốn đi làm. Tôi thấy đau lòng cho mọi người, cho những đứa trẻ và cho cả thành phố này", cô nói.

Ngày 9/3, những tiếng nổ lớn vang lên ở một bệnh viện phụ sản, tạo thành hố sâu lớn giữa sân và phá hủy mọi thứ xung quanh.

Lực lượng cứu hộ nhanh chóng đưa một thai phụ bị thương băng qua đống đổ nát, chuyển cô tới một bệnh viện khác gần đó. Các bác sĩ không thể cứu đứa bé và nửa giờ sau, người mẹ cũng không qua khỏi. Các bác sĩ thậm chí không có thời gian để kịp biết tên của họ.

Thành phố cảng Mariupol chìm trong tuyệt vọng
 
 
Bệnh viện phụ sản ở Mariupol bị hư hại sau trận không kích ngày 9/3. Video: WFAA.

Mariana Vishegirskaya, một thai phụ khác, đang chờ sinh tại bệnh viện phụ sản khi cuộc không kích xảy ra. Mặt dính đầu máu, cô ôm túi đồ chạy ra phía cầu thang để rời khỏi bệnh viện.

Hôm sau, em bé Veronika cất tiếng khóc chào đời trong khi tiếng pháo kích vẫn vang lên khắp nơi. Tại bệnh viện, cửa sổ rung lên vì đạn pháo và hành lang chật kín người. Anastasia Erashova ôm đứa con đang ngủ trong lòng, run rẩy khóc. Đạn pháo đã cướp đi một đứa con của cô.

"Tôi không biết phải chạy đi đâu", cô nói. "Ai sẽ trả lại con cho chúng tôi?".

Giới chức Ukraine cho rằng máy bay Nga đã ném bom vào bệnh viện ở Mariupol, nhưng Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định lực lượng Ukraine đã tiếp quản bệnh viện trước khi nó trúng bom nên không còn phụ nữ và trẻ em.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích truyền thông phương Tây chỉ đưa tin theo quan điểm của Ukraine. "Từ lâu đã không còn phụ nữ, trẻ em ở đó, chỉ có những kẻ cực đoan vũ trang", ông nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các cáo buộc của Ukraine là "khủng bố thông tin". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tái khẳng định lực lượng Nga "không tấn công các mục tiêu dân sự" và cho biết giới chức nước này sẽ xem xét sự việc.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó bác bỏ họ đã không kích bệnh viện, cáo buộc Ukraine có "hành động khiêu khích được dàn dựng" ở đó. Bộ này nói rằng Nga không thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất ở khu vực đó, khẳng định lực lượng Nga tôn trọng "quy chế ngừng nổ súng" đã được thỏa thuận.

Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng Nga chỉ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao nhắm vào mục tiêu quân sự. Moskva cũng tố các nhóm cực đoan ở Ukraine lấy dân thường làm lá chắn sống và dàn dựng các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự.

Thanh Tâm (Theo AP)