Ngày 13/10, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có đầu tư mới hai đoạn đường sắt trên.
Ngoài ra, Bộ đề xuất xây dựng 8 tuyến đường sắt mới đến năm 2030 là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; vành đai phía Đông Hà Nội; Hà Nội - Hải Phòng; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP HCM - Cần Thơ; TP HCM - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành.
Đây là những tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế như Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; nối TP HCM với miền Tây Nam Bộ, nối với các nước lân cận như Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với hiệp định vận tải quốc tế.
Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, TP HCM, kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, Tây Nguyên, ven biển, đường sắt xuyên Á; đồng thời cải tạo, nâng cấp các tuyến tuyến đường sắt hiện hữu. Dự kiến có 18 tuyến đường sắt được quy hoạch mới đến năm 2050.
Tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trước đây, nhiều chuyên gia giao thông đề xuất đầu tư mới tuyến đường sắt Bắc Nam với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h để chở hàng hóa và hành khách, thay vì đầu tư đường sắt cao tốc tốc độ 350km/h chỉ chở người.
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho rằng mức độ hấp dẫn của đường sắt phụ thuộc vào tốc độ, chặng Hà Nội - Vinh nếu khai thác tàu tốc độ 350 km/h thì thị phần vận tải hành khách đạt 93%, trong khi tàu 200 km/h đạt 85%. Với chặng Hà Nội - Đà Nẵng, thị phần tương ứng là 75% và 33%; chặng Hà Nội - Nha Trang là 37% và 3%.
Còn với tuyến Hà Nội - TP HCM, thị phần vận tải của tàu 350 km/h đạt 15%, trong khi loại hình 200 km/h chỉ đạt 0,3%, cho thấy gần như không thu hút được hành khách ở tốc độ này.
Với dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h, thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ, trong khi hành khách đi bằng đường hàng không sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.