Tôi nhớ, khi cao tốc TP HCM - Trung Lương vừa mới khánh thành, người ở quê tôi rất vui mừng vì đi xe dịch vụ lên thành phố khám chữa bệnh tốn ít thời gian hơn (quê tôi Tiền Giang).
Nhưng, những người ở Sài Gòn về miền Tây chơi lại rất chưng hửng khi xe đang bon bon chạy thì hết cao tốc, phải quay về với quốc lộ 1A. Khi đó, đoạn đường qua Tiền Giang là nỗi ám ảnh của tài xế vì có nhiều cầu, nút cổ chai. Kẹt xe dịp lễ, Tết là chuyện như cơm bữa, ai cũng ngán ngẩm.
Nay cao tốc về miền Tây nối dài thêm một đoạn, có lẽ thời gian vi vu kéo dài thêm một chút, mừng cho việc đi lại nhưng tôi cũng có nhiều trăn trở.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, hoạt động từ hôm nay 27/4. Công trình khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành bốn năm sau. Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án bị đình trệ, kéo dài thêm 9 năm mới hoàn thành, tổng cộng là 13 năm cho 51 km cao tốc.
Bỏ qua thời gian tạm dừng xây dựng và trượt giá tiền, tôi tạm tính như sau:
Trong 13 năm, mỗi năm làm được 3,9 km tốn 923 tỷ đồng. Để dễ hình dung, tiếp tục chia đơn vị nhỏ hơn thì mỗi tháng thi công được 130 m, sử dụng 77 tỷ đồng.
Những người bạn của tôi có dịp về các tỉnh miền Tây chơi, đều có chung một than vãn là giao thông, đường xá còn kém. Về địa lý, đồng bằng sông Cửu Long do đất phù sa sông bồi tụ mà thành, nên nền đất dễ lún.
Muốn xây dựng nhà cửa, thường tốn rất nhiều tiền cho việc đóng cừ, làm móng. Huống gì những công trình như đường xá, cầu cống. Chỉ riêng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận này đã phải xây mấy chục chiếc cầu rồi.
Nhưng tôi thấy tốn 13 năm cho vỏn vẹn 51 km là quá lâu. Kinh tế phát triển, nhưng đường xá, giao thông không bắt kịp phải là một vấn đề cần hết sức lưu tâm.
Trong không khí đón mừng thêm một tuyến đường về miền Tây, tôi cũng mong mỏi tuyến đường này có thêm làn khẩn cấp, cũng như tốc độ tối đa cho phép không phải là 80 km/h để đúng nghĩa với một cao tốc.
Phan Thành
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.