Trong nhiều thế kỷ, con người tìm mọi cách để tự bảo vệ trước những căn bệnh truyền nhiễm, có khả năng tử vong. Do đó, việc tiêm chủng có thời gian lâu dài, vaccine đã cứu sống nhiều người trong lịch sử.
Tuy nhiên, nghiên cứu vaccine phức tạp, phải trải qua nhiều công đoạn trước khi được đưa vào tiêm chủng đại trà. Dưới đây là khoảng thời gian để tạo ra 13 loại vaccine tiêu biểu phòng các bệnh truyền nhiễm trong lịch sử.
Đậu mùa
Vào thế kỷ 18, bác sĩ người Anh Edward Jenner đưa ra giả thuyết về nhiễm đậu mùa có thể phòng tái nhiễm về sau. Vì vậy, ông thực hiện một loạt thí nghiệm, hiện được coi là khởi nguồn của miễn dịch học, vaccine và phòng bệnh.
Năm 1796, Jenner tiêm chủng cho một cậu bé tám tuổi bằng cách lấy mủ từ vết thương đậu mùa trên tay của một cô hầu sữa và đưa chất lỏng vào vết cắt mà anh ta đã tạo ra trên cánh tay của cậu bé. Sáu tuần sau, Jenner cho cậu bé tiếp xúc với bệnh đậu mùa, nhưng cậu bé không mắc bệnh trong 20 lần phơi nhiễm tiếp theo.
Trong những năm sau đó, Jenner đã thu thập bằng chứng từ thêm 23 bệnh nhân bị nhiễm hoặc tiêm virus đậu mùa, để chứng minh lý thuyết về khả năng nói trên. Đến năm 1800, các mũi tiêm đầu tiên được triển khai tại nước Mỹ.
Như vậy, Jenner mất khoảng hai năm để chứng minh và gần 4 năm để đưa vaccine vào sử dụng đại trà. Đến 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa được xóa sổ trên toàn cầu nhờ tiêm chủng.

Một bác sĩ và y tá của trường tiêm vaccine đậu mùa cho một thiếu niên ở Gasport, New York vào năm 1938. Ảnh: CNN
Dịch hạch
Trong lịch sử, từng có hai loại vaccine ngừa dịch hạch được dùng trên người, gồm vaccine toàn tế bào chết (KWC) và sống giảm độc lực (LWC). Hiện hai loại vaccine đều không được cấp phép sử dụng, do không hiệu quả đối với các phơi nhiễm qua đường hô hấp hoặc chống dịch trong bối cảnh hiện đại.
Nhiều nỗ lực nghiên cứu vaccine cũng chưa thành công. Năm 2018, WHO đã đưa ra danh sách 17 ứng viên vaccine tiềm năng, song chưa loại nào được phê duyệt chính thức.
Thương hàn
Thương hàn phổ biến ở các quốc gia đang phát triển như Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Nếu không được điều trị, khoảng 1/5 trường hợp mắc bệnh thương hàn có thể tử vong; khoảng 100 trường hợp được điều trị sẽ có dưới 4 ca tử vong.
Vi khuẩn thương hàn được phát hiện vào năm 1880, tuy nhiên cần tới 16 năm để các nhà khoa học Đức và Anh nghiên cứu và đưa ra vaccine sơ bộ. Đến năm 1909, bác sĩ Frederick F. Russell (Mỹ) đã phát triển vaccine thương hàn đầu tiên. Năm 1911, vaccine được sử dụng cho mục đích quân sự và tất cả quân nhân bắt buộc tiêm chủng, sau đó cung cấp cho toàn bộ người dân vào năm 1914.
Sốt vàng
Sốt vàng gây ra nhiều dịch bệnh có số tử vong lớn trong vòng 500 năm trước khi có vaccine. Hiểu biết về căn bệnh còn rất ít ỏi, nhiều người cho rằng bệnh do vi khuẩn gây ra, trong khi căn nguyên thực tế là virus.
Năm 1918, các nhà nghiên cứu tại Viện Rockefeller (Mỹ) đã phát triển thành công vaccine sốt vàng da đầu tiên. Nhưng đến năm 1926, Max Theiler đã chứng minh bệnh do virus và vaccine bị lỗi đã ngừng sản xuất. Sau hơn một thập kỷ, vào năm 1937, Theiler đã tạo ra vaccine sốt vàng da an toàn và hiệu quả đầu tiên.
Cúm
Bệnh cúm có lịch sử lâu dài, từng gây đại dịch và số tử vong lớn trên toàn thế giới. Trong đại dịch cúm năm 1918, chưa có phương pháp chữa trị hoặc tiêm chủng nào để phòng virus này.
Từ những năm 1930, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm hiểu sự phức tạp của virus cúm. Năm 1942, giới khoa học ghi nhận có hai tác nhân gây bệnh cúm chính, gồm chủng cúm A và B và các chủng virus mới thay đổi mỗi năm.
Thế giới có vaccine cúm vào năm 1945, tuy nhiên vaccine được kết luận không có hiệu quả sau hai năm. Do đó, các nhà khoa học phải điều chỉnh vaccine thường niên để đảm bảo tiêm chủng.
Hiện các loại vaccine được Tổ chức Y thế thế giới (WHO) cập nhật bằng cách thu thập dữ liệu từ các trung tâm giám sát dịch cúm để tìm ra 3-4 chủng virus có khả năng cao lưu hành trong năm tới.

Trẻ em uống vaccine bại liệt. Ảnh: polioeradication
Bại liệt
Năm 1800, bại liệt đã gây đại dịch hoành hành khắp nước Mỹ, khiến nhiều người bị liệt và tàn tật suốt đời. Bối cảnh này thúc đẩy các nhà khoa học phải tìm ra vaccine để phòng bệnh sớm nhất.
Năm 1935, vaccine đầu tiên được tiêm chủng trên khỉ và sau đó cho trẻ em ở California (Mỹ). Mặc dù mũi tiêm chưa mang lại hiệu quả, song đã mở đường cho sự phát triển vaccine bại liệt của Jonas Salk vào năm 1953 và Albert Sabin ở năm 1956.
Sau khi thử nghiệm trên hơn 1,6 triệu trẻ em, vaccine của Salk được sử dụng ở Mỹ vào năm 1955. Vaccine được nghiên cứu liên tục để đạt hiệu quả cao, đến năm 1994, bại liệt được loại bỏ ở châu Mỹ.
Bệnh than
Bệnh than được cho rằng đã xuất hiện từ năm 700 trước Công nguyên, báo cáo lâm sàng về bệnh được ghi nhận từ những năm 1700. Thế giới mất thêm nhiều năm để xác định nguồn gốc căn bệnh, phương thức lây truyền... để mở đường nghiên cứu vaccine vào năm 1881.
Sau hơn 50 năm, vào 1937, Max Sterne nghiên cứu thành công vaccine bệnh than sử dụng cho vật nuôi, nhằm giảm sự lây truyền từ động vật sang người. Đến những năm 1950, vaccine đầu tiên dành cho người được chế tạo thành công. Năm 1970, vaccine được cập nhật và phát triển, sử dụng đến nay.
MMR
Vaccine MMR (ngừa sởi, quai bị và rubella) giúp phòng các bệnh truyền nhiễm do virus từng gây những đợt bùng phát dịch chết người. Trước khi có mũi tiêm kết hợp, các chuyên gia đã phát triển vaccine riêng lẻ, trong đó mũi tiêm ngừa sởi ra đời năm 1963, quai bị năm 1967 và rubella năm 1969. Đến năm 1971, nhà khoa học Maurice Hilleman (Mỹ) đã phát triển loại vaccine kết hợp và sử dụng đến ngày nay.
Thủy đậu và zona
Bệnh thủy đậu từng bị chẩn đoán nhầm với đậu mùa cho đến cuối những năm 1800, được nghiên cứu để phát triển vaccine từ những năm 1950. Khoảng hai mươi năm sau, mũi tiêm ngừa thủy đậu đầu tiên ra đời tại Nhật Bản, được cấp phép sử dụng tại Mỹ năm 1995.
Còn bệnh zona thần kinh bắt nguồn từ virus gây thủy đậu. Những năm 1960, các nghiên cứu chỉ ra zona phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Nhưng phải đến năm 2006, vaccine zona thương mại đầu tiên được cấp phép ở Mỹ. Năm 2017, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng Mỹ khuyến nghị người lớn từ 50 tuổi nên tiêm phòng bệnh này.

Minh họa quá trình nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Pexels
Viêm gan B
Năm 1965, tiến sĩ Baruch Blumberg (Mỹ) phát hiện virus viêm gan B. Chỉ trong 4 năm, ông đã tạo ra vaccine viêm gan B đầu tiên. Đến năm 1981, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vaccine viêm gan B thương mại đầu tiên, bao gồm mẫu máu từ người hiến tặng bị nhiễm virus. Sau đó, năm 1986, loại vaccine tổng hợp mới không sử dụng các sản phẩm từ máu đã thay thế.
Viêm gan B có thể gây xơ gan, ung thư gan nên vaccine này được coi là vaccine chống ung thư đầu tiên trên thế giới.
HPV
HPV là virus lây qua đường tình dục rất phổ biến. Hơn 80% phụ nữ sẽ nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong đời; 1/3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV.
Mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1980. Vaccine phòng bệnh đầu tiên được khuyên dùng ở Mỹ vào năm 2006. Sau đó, giới chuyên môn phát triển thêm hai loại vaccine để ngăn bệnh do HPV. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho biết những nỗ lực này giúp giảm tỷ lệ nhiễm tới 81% ở phụ nữ trưởng thành.
Covid-19
Đây là vaccine có tốc độ nghiên cứu và phát triển nhanh nhất lịch sử với khoảng một năm. Trong giai đoạn đầu của Covid-19, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh tật Mỹ cho rằng vaccine phòng Covid-19 có thể được phát triển vào cuối năm 2020 và sẵn sàng sử dụng vào năm 2021.
Đến tháng 12/2020, Sandra Lindsay, y tá chăm sóc đặc biệt đã trở thành người đầu tiên ở Mỹ (ngoài các cuộc thử nghiệm lâm sàng) được tiêm vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Đến nay, đã có nhiều loại vaccine Covid-19 được cấp sử dụng, có thể kể đến như: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala...
Mộc Thảo (Theo Business Insider, WHO)