Tôi đồng tình với quan điểm vợ chồng tiền ai nấy giữ, không nhất định là chồng hoặc vợ nắm hết. Tất nhiên, nếu ai biết cách quản lý tiền và chi tiêu hợp lý hơn, biết cách vun vén cho gia đình thì người đó nên giữ tiền. Cũng không có công thức chung nào cho mọi gia đình. Mỗi người nên tự tìm phương án phù hợp với nhà mình nhất để áp dụng.
Có người cho rằng "vợ chồng mà mỗi người tự giữ tiền riêng của mình thì dần dần sẽ mất đi sợi dây liên kết, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình". Bản thân gia đình tôi cũng tiền ai nấy giữ, mỗi người tự chi tiêu cho gia đình nhỏ của mình trong phạm vi trách nhiệm và cân đối với thu nhập của mình.
Ví dụ, lương chồng cao hơn lương tôi khoảng 2,5 lần nên anh lo tiền nhà, điện, nước và học phí cho con. Còn tôi lo ăn uống ngày ba bữa, quần áo, giày dép, bỉm sữa cho cả gia đình... Đi du lịch thì chồng lo xăng xe, khách sạn; còn tôi lo ăn uống, vui chơi giải trí cho cả nhà.
Cuối tháng còn dư bao nhiêu, đó sẽ là tiền riêng của mỗi người. Tôi dùng một phần để tiết kiệm phòng khi cần, còn một phần để biếu bố mẹ. Chồng tôi cũng làm như vậy. Và cả hai chúng tôi cùng công khai việc mình có quỹ riêng và cả kế hoạch cho khoản tiền đó của mình.
>> Tôi không cam chịu để vợ giữ hết tiền
Bố mẹ chồng tôi và nhiều người xung quanh mà tôi biết cũng làm tương tự như vậy. Chúng tôi thấy cách này rất ổn và phù hợp với gia đình nhỏ của mình nên đã áp dụng nó hơn chục năm nay. Quan trọng hơn hết là tâm lý cả hai vợ chồng đều thấy thoải mái với cách làm này, vì chúng tôi không phải phân bì ai giữ tiền tốt hơn ai? Thay vào đó, cả hai cùng phải tự học cách quản lý tiền của mình và học cách chi tiêu hợp lý.
Tôi không đề cao cách mình làm, chỉ muốn nói rằng mỗi nhà một kiểu, cách nào thấy phù hợp thì làm. Nhiều người luôn dồn hết tiền bạc về cho một người giữ, cho rằng như vậy sẽ thống nhất trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiền ai nấy giữ sẽ không tốt. Hai vợ chồng ở chung dưới một mái nhà, tối ngủ chung một giường, ngày ăn cơm chung một bàn và có hai đứa con chung. Đấy là những thứ chung để gắn bó tình cảm đó thôi. Đâu nhất thiết cứ là tiền phải quy về một mối thì mới là hạnh phúc.
Tất nhiên, để làm được như vậy, đòi hỏi cả hai người phải có tính tự giác cao và sống biết điều với nhau trong việc chi trả những thứ thuộc về trách nhiệm của mình, để tránh tình trạng có những thứ hai bên giằng co, không ai chịu trả.
- Nhà tôi để chồng giữ tiền
- Vợ chồng 'tiền ai nấy giữ'
- 'Vợ phát tiền tiêu vặt cho chồng 200.000 đồng mỗi tuần'
- 'Tôi hạnh phúc dù mỗi tháng phải nộp lương cho vợ 40 triệu đồng'
- Tôi không muốn chồng nộp hết lương rồi lại xin tiền vợ
- Vợ chồng tôi không động vào tiền của nhau