Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời ở tuổi 69 vào tháng 12/2011, con trai ông, Kim Jong-un, mới là một thanh niên 28 tuổi chưa được nhiều người biết đến. Một số nguồn tin cho hay Kim Jong-un đã du học tại Thụy Sĩ từ năm 1998 đến cuối năm 2000 và bạn học mô tả ông là người "vui vẻ, luôn làm mọi người cười" và "ghét bị thất bại".
Truyền thông quốc tế khi đó nhắc nhiều hơn đến Jang Song-thaek, chú của Kim Jong-un, bởi con trai lãnh đạo Kim Jong-il được coi là còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm điều hành đất nước.
Nhưng giờ đây, sau 10 năm nắm quyền, Kim Jong-un được đánh giá là lãnh đạo nắm giữ quyền lực tuyệt đối ở Triều Tiên và hình ảnh của ông trở nên nổi bật, vượt xa ảnh hưởng của người cha Kim Jong-il và ông nội Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết lãnh đạo 37 tuổi của Triều Tiên đã đưa ra một học thuyết mới mang tên "Chủ nghĩa Kim Jong-un", nhưng học thuyết này chưa được công bố rộng rãi. Ảnh chân dung của hai cố lãnh tụ Triều Tiên cũng được cho là không còn xuất hiện trong mọi cuộc họp chính trị lớn gần đây.
"Trước đây, những dấu ấn về cha và ông nội của lãnh đạo Kim Jong-un vẫn được làm đậm", Christopher Green, chuyên gia tư vấn cấp cao về các vấn đề Triều Tiện tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, trụ sở ở Brussels, Bỉ, cho hay. Nhưng sau 10 năm, Triều Tiên giờ đây mang đậm dấu ấn Kim Jong-un hơn và ông giờ đây không còn được nhớ đến với hình ảnh một "người kế thừa" di sản cha ông nữa.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với năng lực lãnh đạo của Kim Jong-un. Ông đã lập tức siết chặt kiểm soát biên giới gần hai năm qua, khiến giao thương với Trung Quốc, đồng minh hiếm hoi của Triều Tiên, suy giảm mạnh.
Với chính sách kiểm soát quyết liệt đó, Triều Tiên năm qua tuyên bố không ghi nhận ca Covid-19 nào và đã từ chối hàng triệu liều vaccine được tặng. Kim Jong-un năm 2021 cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực và cho biết đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay.
"Kim Jong-un đang chịu sức ép lớn", Kongdan Oh, chuyên gia về Triều Tiên tại Washington, nhận xét. "Ưu tiên hàng đầu của ông ấy hiện nay phải là làm thế nào để xử lý các vấn đề kinh tế".
Dù vậy, khó khăn về kinh tế khó có thể thay đổi cách tiếp cận của Bình Nhưỡng đối với các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc với Washington, khi Triều Tiên dường như vẫn tin rằng họ có đủ khả năng tiếp tục tiến hành các vụ thử vũ khí. Cách tiếp cận này cũng nhằm làm yên lòng giới tinh hoa của đất nước, theo Soo Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại viện chính sách Rand Corp.
Mỹ và Triều Tiên đã không có bất kỳ cuộc đàm phán nào trong hơn hai năm qua. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Kim Jong-un sẽ thay đổi chính sách của mình vì mục tiêu phục hồi kinh tế", Soo Kim nhận định.
Dù vậy, Kim Jong-un những năm qua được cho là đã cố gắng làm mềm hóa hình ảnh bản thân. Ông rơi lệ tại một cuộc duyệt binh quân sự hồi năm ngoái và hình ảnh ông "gầy chưa từng thấy" gần đây cũng được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố, dường như nhằm khắc họa hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ, đủ khả năng gánh vác đất nước của ông.
Ông chưa giải thích công khai về "Chủ nghĩa Kim Jong-un", nhưng nó dường như cho thấy ông rất muốn làm nổi bật hệ tư tưởng của bản thân, ngay cả khi về bản chất, các chính sách này không khác biệt quá nhiều so với tư tưởng mà cha và ông nội Kim Jong-un từng đề ra.
Nỗ lực củng cố quyền lực của ông cũng được thể hiện rõ tại một hội nghị đảng hồi đầu năm. Kim Jong-un từ Chủ tịch đảng Lao động cầm quyền trở thành Tổng bí thư, sớm hơn nhiều so với cha và ông nội. Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il được bầu vào chức danh này khi đã ngoài 50 tuổi.
"Điều này dường như xuất phát từ cái tôi của Kim Jong-un", Fyodor Tertitskiy, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc, đánh giá. "Ông ấy dường như muốn nói rằng 'Tôi làm được vì tôi có thể'".
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)