Gần 20 năm đã trôi qua nhưng Joao Micaelo, đầu bếp tại một nhà hàng ở thủ đô Bern, vẫn nhớ rõ về người bạn học cũ của mình tại trường tiếng Đức Liebefeld-Steinholzli. Giống bao người khác quen với Kim Jong-un từ năm 1998 đến cuối năm 2000, Micaelo nghĩ rằng Kim có tên là "Pak Un", con trai của một nhân viên sứ quán Triều Tiên. Một ngày nọ, Kim từng hé lộ với Micaelo về thân phận thật sự của mình nhưng anh nghĩ rằng bạn chỉ nói đùa.
"Cậu ấy là một người bạn tốt", Micaelo nói với Daily Beast. "Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui với nhau. Nhiều bạn bè cũng quý mến cậu ấy. Tôi không biết gì về cuộc sống của cậu ấy hiện nay. Tất cả những gì tôi biết là anh chàng tôi quen ở trường. Cậu ấy đam mê bóng rổ. Chúng tôi hay chơi bóng với nhau".
Theo Micaelo, Kim Jong-un là fan của đội Chicago Bulls, có một bộ sưu tập giày thể thao lớn và dù chỉ cao khoảng 1,67 mét lại khá nặng cân nhưng vẫn chơi bóng rổ rất giỏi.
"Cậu ấy rất vui vẻ, luôn làm mọi người cười", Marco Imhof, một bạn học cũ khác nhớ lại. "Cậu ấy cũng ghét bị thất bại. Chiến thắng là rất quan trọng".
"Cậu ấy có tính hài hước và thân thiện với mọi người, cả với những học sinh đến từ những nước thù địch với Triều Tiên", một người bạn khác kể với báo Đức Welt am Sonntag."Chính trị là một chủ đề cấm kỵ ở trường. Chúng tôi chỉ tranh luận về bóng đá, không phải chính trị".
Một quan chức giáo dục địa phương xác nhận với Reuters rằng có một sinh viên tên Pak Un, con của một nhân viên sứ quán Triều Tiên, theo học tại trường Steinhoelzli. Nam sinh này được mô tả là "hòa đồng, siêng năng và tham vọng".
Ngoài Kim Jong Un, anh trai Kim Jong Chul và em gái Kim Yo Jong cũng từng theo học ở Thụy Sĩ từ năm 1992 đến 2000. Anh trai cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam du học ở Moscow, Nga và sau đó cũng đến Geneva, Thụy Sĩ.
Năm ngoái, dì của Kim Jong Un là Ko Yong Suk kể với Washington Post rằng vợ chồng bà đã chăm sóc cháu trai cùng các anh em ở Thụy Sĩ. Kim Jong Un sang Thụy Sĩ năm 1996, khi 12 tuổi.
"Chúng tôi sống trong một ngôi nhà bình thường và cư xử như bao gia đình khác. Tôi giống như mẹ của chúng", bà Ko kể. "Tôi thường bảo Kim Jong Un đưa bạn về nhà chơi vì muốn chúng có một cuộc sống bình thường. Tôi làm đồ ăn vặt cho bọn trẻ. Chúng ăn bánh và chơi Legos".
Vào những kỳ nghỉ, vợ chồng bà Ko đưa các cháu đi trượt tuyết trên dãy Alps, đi bơi ở biển Địa Trung Hải và sang Italy du lịch. Tại Bern, ngoài bóng rổ, Kim Jong-un cũng thích khám phá các loại máy móc.
"Cậu ấy không phải là đứa hay gây rối nhưng khá nóng tính và thiếu sự bao dung", bà Ko nhớ lại. "Khi bị mẹ nhắc nhở đừng chơi nhiều quá và cần dành thời gian cho việc học nhiều hơn, cậu ấy sẽ không đáp trả mà phản ứng theo nhiều cách khác như nhịn ăn".
Kim Jong-un bất ngờ biến mất giữa năm học 2000 và bạn bè không còn nghe tin tức gì. Kim đã quay về Triều Tiên và kế nhiệm cha, ông Kim Jong-il, sau khi ông qua đời vì bệnh tim năm 2011. Kim Jong-un được cho là chưa quay lại Thụy Sĩ kể từ khi về nước nhưng những năm tháng du học có tác động lớn đối với ông.
Năm 2012, khu trượt tuyết Masikryong được xây dựng ở tỉnh Kangwon ước tính trị giá hàng chục triệu đô, được cho là lấy cảm hứng từ thời gian ở Thụy Sĩ. Ông thậm chí định nhập khẩu hệ thống cáp treo của Thụy Sĩ cho khu trượt tuyết nhưng vướng phải lệnh cấm vận quốc tế.
Nhà lãnh đạo trẻ còn được cho là đã tặng đồng hồ Thụy Sĩ cho các quan chức cấp cao. Một tờ báo Hàn Quốc đưa tin rằng năm 2013, ông dành một phần lớn đất ở tỉnh Kangwon để biến nó thành đồng cỏ và nông trại trên núi cao.
Anh Ngọc