Dựa trên những tiêu chí như: ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, khả năng khơi gợi cảm xúc, tính hàn lâm và sức thu hút khán giả, VnExpress lựa chọn ra 10 tác phẩm điện ảnh xuất sắc của năm.
1. Boyhood (xem trailer) (xem review)
Để kể câu chuyện về quá trình trưởng thành của một cậu bé, đạo diễn Richard Linkter đã quay Boyhood trong 12 năm, sử dụng một dàn diễn viên không ràng buộc về mặt pháp lý để ghi lại những thay đổi chân thực nhất cả về ngoại hình lẫn cảm xúc nhân vật. Richard Linklater chiếm trọn trái tim khán giả bằng tâm huyết, tình yêu và niềm đam mê điện ảnh bền bỉ của mình. Lối làm phim giản dị, tự nhiên, khai thác những mâu thuẫn “ngầm” của cuộc sống trong cuộc phiêu lưu kỳ thú của các mối quan hệ chính là cách Linklater định nghĩa, hình dung về thế giới bằng tất cả sự tinh tế, sâu sắc và từng trải của mình.
Với Boyhood, người xem sẽ gặp lại Richard Linklater vừa dung dị, tinh tế như thế sau 12 năm; lại vừa dày dạn, thâm trầm hơn sau những trải nghiệm của cuộc sống. Khán giả vì thế sẽ xem cách vị đạo diễn lặng lẽ đồng hành cùng nước Mỹ qua hai thế kỷ, bên cạnh câu chuyện trưởng thành của cậu bé Mason. Nhiều bộ phim đôi khi trở nên hay, trở nên độc đáo vì những điều rất giản dị, đời thường và Boyhood chính là một trong số đó.
2. Locke (xem trailer)
Locke là một bộ phim khó có thể đơn giản hơn khi chỉ có một bối cảnh và một nhân vật. Trong cả phim, khán giả sẽ chỉ thấy nhân vật chính ngồi yên trong xe ô tô và gọi điện thoại cho nhiều người khác nhau để dàn xếp công chuyện. Bối cảnh chính chỉ là trong một chiếc ô tô và anh ta không rời nó nửa bước. Chỉ từ những cuộc gọi điện của nhân vật, khán giả có thể thấy một cuộc đời được mở ra trước mắt họ. Cũng chỉ từ cửa kính ô tô nhìn ra hàng trăm chiếc xe đi cùng chiều, một thế giới cô đơn, nhiều hối hận đến lạ lùng dần hiện lên.
Dù không phải là một phim kinh dị, Locke vẫn đủ làm người xem bối rối, hồi hộp liên tục khi tự hỏi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và gây bất ngờ khi các sự thật khó hiểu ấy dần được tiết lộ. Locke diễn ra đều đều, từ từ, không hề vội vã chuyển cảnh như các phim Hollywood thông thường, bởi nó hướng đến tính chân thực của cuộc sống. Mỗi con người đôi khi phải có những lựa chọn khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, và phải cố gắng điều chỉnh với cuộc sống xung quanh dù biết rất có thể mình sẽ làm mất những gì quý giá nhất như gia đình, bạn bè, công việc.
3. Under the Skin (xem trailer) (xem review)
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michael Faber, nội dung của Under the Skin không hề quá khó hiểu khi theo sát hành trình khám phá sự sống của một người ngoài hành tinh (Scarlett Johansson đóng). Ban đầu, cô phải sử dụng vẻ ngoài nóng bỏng của mình để lừa những người khách đi đường lên xe, rồi chở họ tới một địa điểm để “làm thịt”. Nhưng sau sự cố với một người kỳ dị, cô lên đường chạy trốn khắp Scotland, có những trải nghiệm đầy cảm xúc với một người đàn ông ở đây.
Under the Skin là một bộ phim mà khi xem, khán giả có thể thấy căng thẳng, sởn gai ốc, lạnh gáy, giật nảy mình, nhưng khi hạ màn, tất cả sẽ được thuyết phục rằng đây là một bộ phim độc đáo, đẹp lạ, thâm thúy và rất khác với những gì thông thường xem tại rạp.
4. Two Days, One Night (xem trailer) (xem review)
Anh em đạo diễn Jean-Pierre và Luc Dardenne không kể chuyện một người phụ nữ mất việc đi cầu xin sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Bộ phim thể hiện cách cuộc sống diễn ra với đầy nghịch lý và trái ngang mà những lựa chọn, những ràng buộc thường trực trói nghiến con người ta như vắt một quả chanh ráo hoảnh. Marion Cotillard vẫn biết cách làm người xem phải thán phục. Chỉ có điều, thay vì bằng sự dịu dàng, kiêu sa và diễn xuất láu lỉnh như mọi khi, lần này minh tinh người Pháp chinh phục trái tim khán giả bằng sức sống can trường, bền bỉ cùng vẻ dung dị của một cành hoa hồng gai góc.
5. Calvary (xem trailer) (xem review)
Bối cảnh phim đặt ở một thị trấn nhỏ, biệt lập của Ireland. Đó là một ngày chủ nhật bình thường, các giáo dân đi lễ. Trong phòng xưng tội, một gã đàn ông giấu mặt kể cho vị cha xứ nghe về tuổi thơ ác mộng của mình. “Con nếm tinh dịch lần đầu tiên khi mới 7 tuổi”. Gã giải thích rằng gã đã liên tục bị cưỡng hiếp bởi một linh mục trong quãng thời gian 5 năm. Vị linh mục ấy giờ đã chết và gã muốn trả thù. “Không ích gì khi giết một linh mục tồi… Con sẽ giết Cha vì Cha vô tội”. Gã cho vị cha xứ đúng một tuần để thu xếp công việc và hẹn chủ nhật tuần sau, gã sẽ quay trở lại để tước đoạt mạng sống của ông.
Một đề tài “nặng đô” được gói gọn gàng trong một hộp kính trong suốt mà qua đó, một thế giới trần trụi và gai góc được nhìn thấy. Lối kể chuyện trung dung mà ngay thẳng, không vòng vèo, cũng không thách thức, đánh đố như cách những bộ phim trinh thám vẫn làm. Những câu chuyện nhỏ (cuộc khủng hoảng của mỗi cá nhân) được giấu sau câu chuyện lớn (một vụ ám sát được báo trước). Người xem sẽ bị cuốn hút hoàn toàn vào thế giới của bộ phim, đến độ cảm nhận được bước chân run, giọt nước mắt nóng hổi của vị cha xứ khi đứng trước biển cả, chờ chết. Trải nghiệm tuyệt vời nhất có lẽ là “nỗi sợ” trong phim - nỗi sợ cả những tội lỗi mình không gây ra, lẫn nỗi sợ những kẻ gây ra tội lỗi.
6. Ida (xem trailer)
Ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Quả Cầu Vàng lẫn Oscar 2015 cho thấy sức mạnh của góc máy có khả năng truyền tải những thông điệp sâu sắc từ một câu chuyện phim đơn giản, tinh tế. Qua từng khung hình với tông màu đen trắng, Ida lật dở dần bí mật của sự tìm kiếm - tìm kiếm câu chuyện, tìm kiếm sự thật và tìm kiếm bản thể. Đạo diễn gốc Ba Lan, Pawel Pawlikowski, đã mang đến cho người xem một trải nghiệm tuyệt vời tưởng chừng như không còn xa lạ với chủ đề hậu Thế chiến II tại Ba Lan, cũng như đặt ra những câu hỏi mang tính triết học về vai trò của tôn giáo trong đời sống.
7. The Grand Budapest Hotel (xem trailer)
The Grand Budapest Hotel đem tới một bữa tiệc điện ảnh rực rỡ sắc màu của đạo diễn Wes Anderson. Người xem có thể tìm thấy một câu chuyện hấp dẫn gây tò mò, những nhân vật cá tính, những câu thoại thú vị cùng những cảnh quay đẹp đến nao lòng. Phim có cách kể chuyện hóm hỉnh, độc đáo - chuyện lồng trong chuyện với những khung hình chi tiết, màu sắc sặc sỡ, vui mắt. Điểm độc đáo của The Grand Budapest Hotel còn nằm ở cách sử dụng ống kính luôn đặt cố định ở vị trí trung tâm, di chuyển máy theo trục tung và trục hoành - hoặc song song với chuyển động của nhân vật hoặc vuông góc với mặt đất. Câu chuyện phim đậm chất hoài cổ, tiếc nhớ về một thời quá khứ huy hoàng đã mãi mãi biến mất, không còn thấy lại.
8. The Tale of Princess Kaguya (xem trailer)
Được coi là tác phẩm cuối cùng của cây đại thụ hoạt hình Nhật Bản - Isao Takahata, The Tale of Princess Kaguya đưa người xem đến với câu chuyện Nàng tiên trong ống tre giản dị theo một cách mộc mạc, nguyên thủy cùng lối quay phim dịu mắt mà vẫn ấn tượng, để từ đó khơi dậy những xúc cảm chân thật và mạnh mẽ nhất của người xem. Qua câu chuyện về một nàng công chúa bị giáng xuống hạ giới, bộ phim có phong cách hoạt họa độc đáo nhằm thể hiện nội tâm qua nét vẽ này làm người xem thấm thía về ý nghĩa của cuộc sống, trân trọng với những tình yêu xung quanh và luôn ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất khi rời xa nó.
9. Blue Ruin (xem trailer)
Do nhà làm phim trẻ Jeremy Saulnier viết kịch bản, đạo diễn kiêm quay phim; Blue Ruin là hành trình trả thù “chẳng giống ai” của nhân vật Dwight Evans, sau khi nghe tin kẻ giết cha mẹ mình được mãn hạn tù. Phim pha trộn các yếu tố hài châm biếm, giật gân và cả kinh dị nhưng không hề mang đến sự thái quá của bất kỳ những thể loại trên trong cách thể hiện.
10. Nightcrawler (xem trailer) (xem review)
Xem Nightcrawler, sẽ khó có thể tin đây mới là sản phẩm đầu tay của đạo diễn Dan Gilroy bởi phim được làm quá chắc tay. Câu chuyện về gã săn tin đen Lou Bloom với những mảng tối của truyền thông chắc chắn sẽ còn ám ảnh người xem một thời gian sau khi bộ phim kết thúc. Phim đả kích những “kền kền báo chí”, sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn đạo đức và nghề nghiệp để đạt mục đích ratings hoặc lượng view cao.
Dan Gilroy đã rất sáng suốt khi không cố phán xét nhân vật hoặc cố lồng một bài học đạo đức vào cuối phim. Vì thế Nightcrawler hấp dẫn, kịch tính từ đầu tới cuối, đưa khán giả từ sự ngỡ ngàng này sang sự ngỡ ngàng khác. Phải giảm đến 15kg để vào vai chính, tài tử Jake Gyllenhaal đã có một vai diễn thuộc loại tốt nhất trong sự nghiệp. Sau Tommy Lee Jones, Jack Nicholson, anh sẽ là một trong những cái tên được xếp vào nhóm những kẻ “bệnh hoạn” nhưng đầy quyến rũ của Hollywood.
>> Xem thêm ý kiến về 10 bộ phim được lựa chọn
VnExpress