Mở đầu phim bằng hình ảnh đốm sáng xanh lớn dần như một liệu pháp tâm lý gây ảo giác, Under the Skin dần đưa người xem tới một thế giới u ám đến kỳ lạ thông qua phong cách làm phim dị biệt của đạo diễn người Anh - Jonathan Glazer (phim Sexy Beast, Birth). Tốn tới gần một thập kỷ để hoàn thiện, bộ phim thuộc thể loại rùng rợn này đặt ra những câu hỏi cho khán giả về giá trị của sự sống bằng hệ thống biểu tượng dày đặc, phủ kín các cảnh phim quay đẹp khó tả. Nhưng với cách tiếp cận câu chuyện quá khác so với các phim điện ảnh phổ thông, Under the Skin trở nên khó để thẩm thấu hơn cho nhiều khán giả thiếu kiên nhẫn.
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michael Faber, nội dung của Under the Skin không hề quá khó hiểu khi theo sát hành trình khám phá sự sống của một người ngoài hành tinh (Scarlett Johansson đóng). Ban đầu, cô phải sử dụng vẻ ngoài nóng bỏng của mình để lừa những người khách đi đường lên xe, rồi chở họ tới một địa điểm để “làm thịt”. Nhưng sau sự cố với một người kỳ dị, cô lên đường chạy trốn khắp Scotland, có những trải nghiệm đầy cảm xúc với một người đàn ông ở đây. Tuy vậy, bộ phim này khá phức tạp trong cách dẫn giải, khiến người xem khó nhận ra đường dây câu chuyện nếu không để ý kỹ, hoặc chỉ biết sau khi cảnh phim cuối cùng đã chấm dứt trên màn ảnh.
Đạo diễn Jonathan Glazer không đưa cho khán giả một chiếc kẹo mút để tận hưởng phim một cách dễ dàng, mà đưa ra một khối rubik để người xem tự giải nó. Khác với các phim thông thường sẽ sử dụng lời thoại để tiết lộ nội dung, Under the Skin lại có rất ít thoại (chủ yếu xuất hiện trong các cảnh nhân vật chính nói chuyện với nạn nhân trên xe), mà sử dụng hình ảnh, âm thanh để thúc đẩy câu chuyện. Không những thế, hình ảnh được sử dụng lại không mô tả trực tiếp nội dung cảnh đó mà chỉ gợi ý cho khán giả về nó để họ tự tưởng tượng ra sự việc. Đây là cách làm phim thông minh, bắt khán giả chú ý từng tình tiết và ráp nối theo tư duy của riêng họ.
Một ví dụ là cảnh một người lái moto tới nhà kẻ bỏ trốn với ý định thủ tiêu anh ta. Hắn xông ra đấm vào cửa kính ôtô và làm nó nát vụn ngay lần đầu tiên, rồi xông tới phía sau nhà, chỗ kẻ bỏ trốn khỏa thân với khuôn mặt dị dạng đang trèo vào nhà. Cảnh phim cắt ở đó, dù không mô tả trực tiếp hành vi bạo lực với nạn nhân, khán giả đủ hiểu kết cục gì sẽ tới với anh ta. Hay như cảnh một đứa bé 3 tuổi khóc váng trời khi bị bỏ rơi ở bãi biển đêm, nơi những cơn sóng dữ dội liên tục lao đến như muốn nuốt chửng cậu. Đạo diễn hiểu rằng nếu chỉ ra toàn bộ cảnh đó, khán giả sẽ chỉ nghĩ tới hình ảnh trên phim. Nhưng nếu để khán giả tự suy nghĩ, họ sẽ tự có một tưởng tượng riêng về hành vi bạo lực ấy khiến bộ phim trở nên đa chiều và có sức nặng hơn hẳn.
Bộ phim tràn ngập hình ảnh phiếm chỉ như vậy, bắt khán giả tự ráp nối, tự hình dung, tự suy luận, tự đọc phim. Công việc xem phim trở nên khó khăn hơn một chút nhưng người xem có được những giây phút choáng váng với cách trình diễn thị giác kỳ lạ tới sởn gai ốc của Glazer. Phần hình ảnh trong phim chính là điểm nhấn kỳ vĩ nhất của phim, cả về bề nổi lẫn bề chìm, dù được dàn dựng tương đối đơn giản. Sự ghê rợn của cõi hư vô, nơi Scarlett lừa dẫn nạn nhân tới, được tạo ra chỉ bằng cách để nạn nhân tự chìm dần vào trong màu đen tuyệt đối của nó mà không cưỡng lại được. Bộ phim tràn ngập hình ảnh đẹp nhưng dị, tạo cảm giác rùng rợn cần có trong không khí phim với sự giúp đỡ tuyệt vời của phần ánh sáng, âm nhạc và diễn xuất hợp lý.
Scarlett Johansson hoàn toàn nắm kiểm soát ở vị trí trung tâm, chấp nhận những yêu cầu khó của đạo diễn, bao gồm cả việc phải khoả thân 100% (lần đầu tiên trên màn ảnh). Với vẻ quyến rũ khó cưỡng đầy mê hoặc, cô vẫn làm người xem sởn gai ốc thông qua ánh mắt và biểu cảm vô hồn, ma mị, ít cảm xúc, rất hợp với phim. Phần âm nhạc không đơn thuần là tạo không khí phim mà được nâng tầm lên thành một nhân vật xuyên suốt phim.
Bộ phim có tiết tấu chậm rãi đến khó thở này được phần âm nhạc điện tử mang âm hưởng kịch kabuki Nhật Bản từ từ bóp nghẹt, tạo ra không khí âm u, rùng rợn và chỉ chực nổ tung để tạo ra sự choáng váng cho người xem. Cảnh tượng một người đàn ông nhún nhảy trên nền nhạc “tế thần” trước hố đen hư vô của Scarlett làm người xem sợ hãi hơn cả nhân vật trong phim vì chỉ cần phần âm thanh đó cất lên là khán giả có thể cảm nhận được ngay cơn run rẩy của mình.
Under the Skin đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất con người thông qua những hình ảnh đậm nét thú vị, bằng hàng loạt sự kiện liên quan tới sự sống và cái chết, những điều mà dường như đối lập hoàn toàn nhưng bằng cách nào đó lại thúc đẩy sự hài hòa cần thiết cho cuộc sống tiếp diễn. Cô chứng kiến những hành động yêu thương, vị tha nhưng cũng trải nghiệm cả bạo lực lẫn sự hủy diệt. Cuộc sống tưởng chừng vô nghĩa bởi những mảng đối lập ấy nhưng chính chúng lại tạo ra những sự thú vị riêng. Có cả vẻ đẹp lẫn nỗi buồn trong cuộc sống mong manh của con người nhưng chúng ta đều phải thức dậy mỗi sáng và tiếp tục sống. Do đó, theo nhiều cách khác nhau, bộ phim như một sự từ chối với chủ nghĩa hư vô dai dẳng.
Hành trình của Scarlett trong phim nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều điều đáng bàn hơn trong cuộc sống này ngoài việc tồn tại. Sự sinh tồn đương nhiên vẫn thiết yếu nhưng cách để đương đầu với sự ngắn ngủi của cuộc sống chính là thông qua những trải nghiệm yêu thương và thỏa thích tận hưởng mọi ham muốn. Under the Skin không chỉ đơn thuần là một bộ phim mà là một trải nghiệm điện ảnh vào từng ngõ ngách tâm hồn người xem để trả lời câu hỏi “Làm người là thế nào?”. Lúc xem phim, khán giả có thể thấy căng thẳng, sởn gai ốc, lạnh gáy, giật nảy mình, nhưng khi hạ màn, tất cả sẽ phải công nhận rằng Under the Skin là một bộ phim độc đáo, đẹp lạ, thâm thúy và rất khác với những gì thông thường xem tại rạp.
Trailer phim "Under the Skin" |
|
Trung Rwo