John Michael McDonagh vẫn còn là một cái tên khá mới đối với những người yêu môn nghệ thuật thứ bảy. Tuy vậy, ngay từ phim đầu tiên (The Guard - 2011), McDonagh đã chứng tỏ mình là nhà làm phim có tài và đáng để kỳ vọng. The Guard nhận được sự tán thưởng từ giới phê bình với 95% đánh giá tích cực từ Rotten Tomatoes và trở thành bộ phim độc lập ăn khách nhất của Ireland từ trước đến nay.
Calvary là phim thứ hai McDonagh làm đạo diễn kiêm biên kịch. Bối cảnh phim đặt ở một thị trấn nhỏ, biệt lập của Ireland. Đó là một ngày chủ nhật bình thường, các giáo dân đi lễ. Trong phòng xưng tội, một gã đàn ông giấu mặt kể cho vị cha xứ nghe về tuổi thơ ác mộng của mình. “Con nếm tinh dịch lần đầu tiên khi mới 7 tuổi”. Gã giải thích rằng gã đã liên tục bị cưỡng hiếp bởi một linh mục trong quãng thời gian 5 năm. Vị linh mục ấy giờ đã chết và gã muốn trả thù. “Không ích gì khi giết một linh mục tồi… Con sẽ giết Cha vì Cha vô tội”. Gã cho vị cha xứ đúng một tuần để thu xếp công việc và hẹn chủ nhật tuần sau, gã sẽ quay trở lại để tước đoạt mạng sống của ông.
Vị cha xứ đã phản ứng như thế nào? Dĩ nhiên, không giống như khán giả, ông biết được kẻ đe dọa là ai. Thị trấn này quá nhỏ, lại thưa thớt dân cư, quá dễ để phân biệt người này với người khác qua giọng nói. Calvary không phải là kiểu phim trinh thám giật gân nơi mục đích vạch trần thủ phạm và đấu tranh bảo vệ mạng sống là tối thượng. Bộ phim, qua cách vị cha xứ bình tĩnh đối diện với số phận, đã đặt ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như tôn giáo, cái chết và niềm tin của con người trong xã hội hiện đại.
“Khi con người tuyệt vọng, đó là cơ hội của Chúa”. Dường như điều đó không đúng với Calvary. Cái thị trấn nhỏ trong Calvary không tin vào điều gì hết, cả tôn giáo lẫn giá trị con người. Ở đây có một người phụ nữ lẳng lơ, công khai bồ bịch hết người này người khác. Một kẻ lập dị, không biết phải làm sao với đời mình, chỉ muốn đi lính để thỏa mãn thú giết chóc. Một tên trọc phú, kiếm tiền nhờ làm ăn phi pháp, luôn hợm hĩnh, chẳng coi ai ra gì. Một gã bác sĩ vô thần luôn tận dụng mọi cơ hội để nhạo báng vị cha xứ. Một kẻ giết người hàng loạt luôn hào hứng kể về tội ác của mình. Một cô gái bị trầm cảm và đã nhiều lần tìm đến cái chết…
Đối diện với một đám đông suy đồi đạo đức và khủng hoàng niềm tin ấy, vị cha xứ đã làm gì? Ông làm điều mà một linh mục phải làm: cứu giúp những linh hồn lạc lối, kêu gọi họ quay về với nẻo thiện, đưa ra những lời khuyên… Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều vô vọng. Ngay từ đầu, ông đã biết thế, chính ông cũng không tin vào tác dụng của những việc mình làm. Đôi mắt trĩu xuống, trán đầy nếp nhăn, dáng đi nặng nề cô độc... nhân vật chính của Calvary không chỉ cách biệt với những giáo dân của mình, bản thân ông cũng không tìm thấy sự an ủi ở vị Chúa mà ông tôn thờ.
Bộ phim được đặt tên theo một địa danh trong Kinh Thánh. Tương truyền đó là nơi ngay ngoài bức tường bao quanh Jerusalem và là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá. Calvary giống như một phiên bản hiện đại của câu chuyện ấy. Tuy hình thức khác nhau, vị cha xứ cũng giống như chúa Jesus trước đây, đều bị đày đọa bởi những kẻ thiếu lòng tin. Cũng giống như Chúa, ông đối diện với tất cả sự bất công, lăng nhục, độc ác ấy bằng lòng vị tha. “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì!”. Lời của Jesus cầu nguyện lên Thượng đế khi đang bị hành hình cũng chính là thái độ của vị cha xứ trong Calvary khi đối diện với kẻ thủ ác.
Calvary thể hiện một thái độ phức tạp của đạo diễn McDonagh. Một mặt ông tỏ ra bi quan: thế giới trong phim là một thế giới đổ vỡ niềm tin, con người không đáng và không thể được cứu rỗi. Thiên Chúa giáo suy yếu và mục nát từ bên trong (những vị linh mục lạm dụng trẻ em). Hình tượng ngôi nhà thờ rực lửa như một hình ảnh ẩn dụ về thời tàn của tôn giáo.
Nhưng giống như lời trích dẫn mở đầu phim “Đừng tuyệt vọng, vì một tên trộm đã được cứu rỗi. Cũng đừng mừng vội, vì một tên khác đã bị đày đọa”, thế giới này vẫn không hẳn là mất hết hy vọng. Chỉ có sự chấp nhận và tha thứ mới cứu được con người khỏi sự sa ngã. “Cha nghĩ người ta đã nói quá nhiều về tội lỗi và quá ít về đức hạnh. Cha nghĩ sự tha thứ đã không được coi trọng đúng mức”. Calvary là một bộ phim có những câu thoại sắc sảo và đáng ngẫm nghĩ.
Bộ phim đánh dấu lần hợp tác thứ hai giữa đạo diễn John McDonagh và diễn viên Brendan Gleeson. Với khuôn mặt giàu biểu cảm, đậm chất suy tư, Brendan Gleeson đã cho khán giả thấy một vai diễn đầy sức nặng. Thậm chí nhiều nhà phê bình còn táo bạo nhận xét diễn xuất của Gleeson còn xuất sắc hơn cả bộ phim.
Calvary cũng rất thành công trong việc tạo không khí phim. Khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, cảnh bờ biển hoang vắng, sóng ngầu bọt đập tan vào đá, bầu trời mùa đông xám xịt… Tất cả tạo nên một cảm giác nặng nề, ám ảnh ở người xem. Phần nhạc nền của Patrick Cassidy dường như luôn biết chọn đúng thời điểm để vang lên.
Đặc biệt, khi xem xong phim, người xem sẽ vẫn bị những dòng credit cuối cùng lôi cuốn bằng một ca khúc Tây Ban Nha mang tên Subo của nhóm Los Chiriguanos. Nội dung bài hát kể về một kẻ đơn độc trèo lên đỉnh đồi than khóc một mình. Những nếp nhà để lại sau lưng, mây trời càng lúc càng gần, người đó vẫn cứ tiếp tục trèo mong nỗi đau dần vơi đi. Giai điệu buồn thương và những ca từ đẹp đẽ của bài hát rất phù hợp với chủ đề của phim.
Calvary có độ dài khá khiêm tốn (101 phút) và không quá “đau đầu” hay “khó xem” như những gì người ta mặc định về phim độc lập hay phim nghệ thuật. Phim có những cảnh bạo lực, có đôi chút hài hước, nhưng cảm giác bao trùm nhất về bộ phim là một nỗi u buồn dai dẳng. Phim đủ hấp dẫn để khi kết thúc, nhiều khán giả sẽ muốn ngồi xem lại từ đầu ngay lập tức.
Trailer phim "Calvary" |
|
Anh Trâm