Nghiên cứu này thuộc dự án Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam, thực hiện từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2024. Mục tiêu là đánh giá hiệu quả phòng ngừa mắc Covid-19 nhập viện hoặc tử vong ở người từ 12 tuổi trở lên sau tiêm đầy đủ mũi cơ bản và mũi tăng cường. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học giúp Bộ Y tế đưa ra chiến lược phòng chống Covid phù hợp.
10 bệnh viện phía Nam tham gia dự án là Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng Thành phố, Đại học Y Dược TP HCM, Đa khoa tỉnh Bình Dương, Đa khoa thị xã Tân Uyên, Đa khoa tỉnh Tây Ninh, Đa khoa huyện Bến Cầu, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu.
Ngày 20/4, theo văn bản Viện Pasteur TP HCM gửi Sở Y tế 4 tỉnh thành và 10 bệnh viện trên, dự án được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu bệnh chứng. Phương pháp này sử dụng một nhóm chứng là người khỏe mạnh hoặc mắc bệnh khác với bệnh đang nghiên cứu (gọi là ca chứng). Số người trong nhóm chứng có thể nhiều gấp 2-4 lần so với nhóm bệnh chứng (gọi là ca bệnh chứng).
Nghiên cứu dự kiến khảo sát 2.800 ca bệnh chứng xét nghiệm âm tính (test-negative case-control) Covid nằm viện và tuyển 3.200 ca chứng. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR khẳng định Covid và giải trình tự gene virus xác định biến chủng nCoV. Từ đó đối chiếu trở lại với dữ liệu tiêm chủng của họ và đánh giá tính hiệu quả miễn dịch sau tiêm.
Tính đến giữa tháng 4, cả nước đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine, riêng TP HCM tiêm được hơn 23,6 triệu liều. Sở Y tế TP HCM nhận định Covid-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng giảm từ gần 99% vào tháng 9/2022 hiện còn hơn 94% và sự xuất hiện các biến chủng phụ của Omicron.
Hiện, số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành. Hà Nội và TP HCM đều ghi nhận xuất hiện biến chủng mới có đặc tính lây lan nhanh nhưng không làm tăng ca nặng, các triệu chứng ban đầu chưa thay đổi và ngày càng giống cảm cúm. Các bác sĩ đang theo dõi độc lực của biến chủng mới.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân duy trì biện pháp 2K và vaccine để phòng chống Covid.
Mỹ Ý