Hôm 18/4, anh Hùng nghĩ mình bị cảm do đau đầu, nghẹt mũi, ngứa họng và sốt nhẹ, đến phòng khám ở quận Cầu Giấy. Năm ngoái, cũng thời điểm này, anh mắc Covid-19 lần đầu, sốt cao, đau nhức toàn thân, mất khứu giác, vị giác. Lần này, kết quả xét nghiệm nhanh anh dương tính với Covid. Bác sĩ kê đơn thuốc giảm triệu chứng, khuyên về nhà nghỉ ngơi, cách ly với gia đình. "Tôi đã chuẩn bị tâm lý kỹ hơn, bình tĩnh, bị Covid thì cách ly sớm khỏi con nhỏ và bố mẹ già để khỏi lây", anh cho biết.
Còn chị Hoa, 35 tuổi, ở Hà Đông, bị sốt, ho, đau họng mấy ngày nay, nghĩ chỉ cảm cúm thông thường do thay đổi thời tiết. Một ngày sau, chồng chị triệu chứng tương tự. Cả hai không mất mùi vị hay sốt rét giống như lần mắc trước. Chị mua que về test, lên hai vạch, tự cách ly tại nhà. "Khác với một năm trước, giờ mắc Covid cảm thấy nhẹ nhàng hơn, như cảm cúm thông thường", chị nói.
Một bác sĩ không muốn nêu tên, phụ trách phòng khám tai mũi họng ở phường Phú Thượng, Tây Hồ, cho biết số lượng bệnh nhân đến khám gấp 3-4 lần so với tháng trước, trong đó nhiều người mắc Covid. Hầu hết người bệnh có biểu hiện ngứa họng, ớn lạnh, sốt nhẹ, đau đầu giống với cảm lạnh và cúm thường. "Triệu chứng Covid ngày càng giống cảm cúm, chỉ test nhanh mới có thể xác định chính xác bệnh nhân nhiễm nCoV hay cảm", ông nói.
Đồng nhận định này, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đợt này đa số bệnh nhân bị sốt, ho, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và nặng hơn ở nhóm người già, có bệnh nền. Một số trường hợp ho khan dai dẳng 5-7 ngày, đi khám test nhanh kết quả dương tính.
"Do đó, không thể phân biệt giữa cúm và Covid-19 nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Chỉ khi xét nghiệm bằng test nhanh hoặc PCR, bác sĩ mới biết chính xác chủng virus mắc phải, từ đó có phác đồ điều trị đúng và kịp thời", bác sĩ Phúc nói.
Tuy nhiên, nếu xét nghiệm quá sớm có thể dẫn đến âm tính giả. Các chuyên gia khuyến cáo nên test nhanh lần hai sau 24 đến 48 giờ. Có thể đồng thời vừa test nhanh, vừa xét nghiệm PCR bằng cách gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà hoặc đến cơ sở y tế.
Làm thế nào nhận biết triệu chứng Covid
Theo các bác sĩ, việc xác định bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng, do các biến chủng Omicron hiện nay có đặc trưng lây lan nhanh. Người biết mình mắc bệnh có thể cách ly kịp thời, tránh lây truyền virus sang nhóm dễ bị tổn thương. Nhóm dễ bị chuyển nặng do mắc Covid-19 như người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, nếu được chẩn đoán sớm, dùng thuốc kháng virus trong 1-3 ngày đầu sẽ hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong.
Bác sĩ ở phòng khám phường Phú Thượng chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng của ông là phân biệt Covid với bệnh hô hấp khác bằng cách theo dõi các triệu chứng tăng nhanh như thế nào. Ví dụ, nếu mắc cúm, dấu hiệu bệnh xuất hiện thường chỉ một ngày sau tiếp xúc với người bệnh, và có thể cảm nhận đau nhức toàn cơ thể. Còn các triệu chứng cảm lạnh thường nhẹ hơn, xuất hiện sau 2-3 ngày tiếp xúc nguồn lây. Covid thường có thời gian ủ bệnh lâu hơn, trung bình 5 ngày mới xuất hiện triệu chứng, nhưng với các biến chủng mới thì chỉ ngay sau 1-3 ngày. Các biểu hiện sẽ phát triển dần, từ sụt sịt, ngứa họng, mệt mỏi đến đau đầu và sốt vào ngày tiếp theo.
Một dấu hiệu đặc trưng khác là sốt. Ở người bệnh cúm, sốt có thể lên tới 39 độ C, trong khi người nhiễm nCoV không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. "Đặc biệt, nhiều người lớn đến khám Covid hai tuần gần đây, hầu như không có biểu hiện sốt", bác sĩ này ghi nhận.
Ông cũng chia sẻ, trước đây, bệnh nhân Covid-19 thường bị mất khứu giác và vị giác. Một số người lớn tuổi bị sương mù não - tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ - trong khi những người khác phát ban, rụng tóc hoặc phồng rộp ở ngón chân. Đây là cách dễ dàng nhất để phân biệt giữa Covid và cúm. Thế nhưng khi chủng mới lây lan, triệu chứng này giảm dần, do đó hiện rất khó phân biệt cúm và Covid.
Các chuyên gia cho rằng dù Covid-19 và cúm thì đều gây các triệu chứng hô hấp nhẹ, bệnh nhân có thể tự chăm sóc hồi phục ở nhà. Một số ít trường hợp có thể dẫn đến biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, suy đa cơ quan, viêm tim, não hoặc mô cơ, thậm chí tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là bệnh.
Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo khi nghi ngờ mắc Covid, người bệnh cần chủ động cách ly và điều trị theo khuyến cáo. Người già, có bệnh nền cần theo dõi chặt chẽ, nhập viện khi có biến chứng để được chăm sóc y tế kịp thời.
Hơn một tuần qua, số ca Covid-19 cả nước tăng trở lại, Hà Nội và TP HCM đều ghi nhận xuất hiện biến chủng mới có đặc tính lây lan nhanh nhưng không làm tăng ca nặng. Phần lớn bệnh nhân Covid đợt này có triệu chứng nhẹ, tương tự các triệu chứng trước đây như ho, sốt, mệt mỏi, đau cơ thể, được theo dõi điều trị tại nhà. Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất, trung bình hơn 90 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Số người cần chăm sóc y tế chủ yếu là nhóm cao tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em chiếm 2-6%.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân duy trì biện pháp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vaccine để phòng bệnh.
Minh An
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi