Theo bác sĩ BS Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, ung thư gan hiện có tỷ lệ mắc cao nhất tại Việt Nam với 26.500 ca mắc mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư... Ngoài rượu bia, thuốc lá các yếu tố dưới đây cũng có liên quan đến căn bệnh này:
Mắc viêm gan B
Theo thống kê, khoảng 80% bệnh nhân bị ung thư gan tiến triển từ viêm gan B. Virus viêm gan B tấn công gan liên tục làm tăng sinh các chất gây viêm, dẫn đến tăng tỷ lệ chết tự nhiên của các tế bào gan và sinh ra những tế bào gan mới. Từ đó, virus thúc đẩy nguy cơ đột biến tự phát, hình thành các tế bào gan lập dị dẫn đến ung thư.
Mặt khác, người mắc viêm gan B cần phải thăm khám, điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và uống thuốc kháng virus. Song, nhiều người bỏ điều trị hoặc chuyển sang uống thuốc nam, các loại lá cây theo lời mách bảo khiến virus ồ ạt nhân lên, tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Rượu bia
Ethanol trong rượu được xếp vào nhóm chất gây ung thư. Khi vào cơ thể, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, một chất gây ung thư có thể gây tổn thương gene. Uống nhiều rượu bia cũng khiến gan phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày gan sẽ bị quá tải, dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Rượu cũng làm chậm khả năng phân hủy và loại bỏ các hóa chất độc hại của cơ thể, giúp các hóa chất trong thuốc lá dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn, tạo điều kiện cho tế bào ung thư hình thành và phát triển.
Thuốc lá
Trong khói thuốc có các hóa chất như nicotine, carbon monoxide, benzene, acetaldehyde, nitrosamine, vinyl chloride... Các chất này có thể xâm nhập vào máu, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan.
Hút thuốc lá tăng sản xuất chất gây tổn thương tế bào gan, khiến xơ gan tiến triển mạnh hơn. Khí CO có trong khói thuốc lá khi đi vào máu sẽ gắn chặt với hemoglobin, làm hồng cầu giảm khả năng vận chuyển oxy, lâu dần làm các tế bào bị thiếu oxy, kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu và tăng cường hấp thu sắt từ ruột. Khi lượng sắt bị dư thừa sẽ gây ra tình trạng ứ sắt thứ phát và thúc đẩy quá trình oxy hóa phá hủy tế bào gan.
Nấm mốc
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), độc tố Aflatoxin B1 có trong gạo, ngô, đậu, lạc, hướng dương, hạnh nhân, óc chó, tiêu đen, gừng... bị mốc có thể làm đột biến chuỗi DNA và gây ung thư gan ở người. Khi được hấp thụ vào trong cơ thể, Aflatoxin tấn công gan, làm tổn thương các biểu mô tế bào gan. Những người tiếp xúc với Aflatoxin trong thời gian dài có nguy cơ mắc ung thư gan và ung thư túi mật cao hơn người ít tiếp xúc.
Thực phẩm chế biến sẵn
Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ (2024) ở 453 trường hợp mắc ung thư gan tại Mỹ trong 14 năm, cho thấy bệnh có mối liên hệ với thực phẩm chế biến sẵn như: ngũ cốc chế biến, khoai tây chiên, thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội, thịt bò chiên, gà chiên, bánh mì kẹp thịt, pizza, súp...
Các thực phẩm này có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, ít chất xơ và vitamin, trong khi hàm lượng chất béo bão hòa, năng lượng, đường và muối cao. Khi sử dụng nhiều, những món ăn trên gây thừa cân, béo phì làm tích tụ mỡ trong gan hình thành gan nhiễm mỡ, lâu ngày chuyển thành viêm gan mạn tính, dẫn tới ung thư.
Bên cạnh đó, thực phẩm chế biến sẵn thường sử dụng chất tạo màu, chất ổn định màu, hương liệu, chất tạo ngọt và các chất phụ gia, trong đó các chất như chất nhũ hóa, natri nitrat và chất tạo ngọt nhân tạo... có liên quan đến ung thư gan.
Nguồn nước bẩn
Việc uống nước ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm nặng, nước có thêm nồng độ Clo (Cl2) và Chloroform (CHCl3) cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan. Hóa chất thúc đẩy tế bào đột biến. Những người uống nước ao bị ô nhiễm có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất, cao gấp 2,34 lần so với tỷ lệ mắc ở người uống nước máy.
Cách phòng ngừa
Theo bác sĩ Cầm, mọi người có thể phòng bệnh bằng cách hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng nguồn nước sạch. Người dân nên nâng cao sức khỏe thể chất thông qua chế độ ăn lành mạnh và đủ dinh dưỡng, thường xuyên vận động, tránh thừa cân, béo phì.
Bác sĩ khuyến cáo tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện bệnh sớm, giúp tỷ lệ điều trị thành công cao. Khi không may mắc viêm gan B, ung thư gan, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị, không nghe theo lời mách bảo, điều trị theo phương pháp dân gian khiến bệnh nặng hơn.
Để phòng viêm gan B, mọi người nên tiêm vaccine. Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine viêm gan B dành cho trẻ em và người lớn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm; vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em. Người lớn tiêm chủng ba mũi trong vòng 6 tháng, xét nghiệm viêm gan B trước tiêm chủng. Trẻ em cần tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó trẻ cần theo sát lịch tiêm ngừa vaccine như vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1.
Diệu Thuần