"Hơn cả một hành trình" là những gì mà Phạm Trang, sinh năm 1999, nói về chuyến xuyên Việt sau khi tốt nghiệp đại học. Cô cùng hai người bạn là Lê Giang, bằng tuổi, và Trương Đình Minh, sinh năm 1997 trên hai chiếc xe máy, rong ruổi khắp Việt Nam từ ngày 28/2 đến 20/3, cùng nhau trải qua một tuổi trẻ ý nghĩa. Những bức ảnh đẹp và lời chia sẻ kinh nghiệm xuyên Việt của cô gái 23 tuổi đã truyền cảm hứng và thu về 21.000 lượt yêu thích trên mạng xã hội.
Trang ấp ủ dự định xuyên Việt từ khi còn là sinh viên năm nhất sau chuyến đi Tà Xùa năm 2017. Cô sinh viên mới vào trường mong muốn đi được hết Việt Nam, chờ đợi đến thời khắc kết thúc đại học để thực hiện một chuyến xuyên Việt làm kỷ niệm. Cô đã đi làm thêm và tiết kiệm tiền trong suốt 4 năm để thực hiện chuyến đi.
"Nhiều người bảo mình là chỉ nhà điều kiện mới đi như vậy nhưng gia đình mình hoàn toàn bình thường, mình cố dành dụm cho chuyến đi để không xin bố mẹ hay vay ai", Trang cho biết. Trang dự trù 20 triệu đồng và thực tế tiêu hết 16 triệu đồng, bao gồm xăng xe, quần áo trước chuyến đi, ăn uống, địa điểm tham quan, homestay, nhà nghỉ, vé máy bay và vé tàu hỏa gửi xe máy về.
Để có một chuyến đi suôn sẻ, đầu tiên cần bạn đồng hành "hợp gu" và hiểu tính nhau. Trang cho biết, tính cách của 3 người giống nhau: thoải mái, không cầu kỳ, không đòi hỏi cao về ăn uống hay ngủ nghỉ, dễ tính và nói chuyện hợp. Bản thân Trang thấy mình là người nóng tính nhất, trong chuyến đi đôi khi quá lời với mọi người song đều được thông cảm, không bị để bụng. Chính vì thế, chuyến đi liên tục trong 22 ngày không mâu thuẫn. Họ luôn tôn trọng ý kiến cá nhân của nhau.
Trước chuyến đi, Trang chuẩn bị rất nhiều thứ. Cái khó nhất là trang phục và phụ kiện để phục vụ việc chụp ảnh đẹp mà vẫn gọn nhẹ, dễ di chuyển. Cách giải quyết là chọn những trang phục dễ phối, có thể sử dụng lại với nhiều bộ khác nhau. Về sức khỏe, Trang hạn chế tiếp xúc với người lạ trước chuyến đi do chưa mắc Covid-19. Việc cuối cùng là xin ý kiến gia đình. Rất may, bố mẹ Trang cởi mở và không hề phản đối, chỉ nhắc cô đi lại cẩn thận.
Khoảnh khắc bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, Trang hào hứng và mong chờ, sướng khi nhớ lại. "Cảm giác mình đã sắp xếp xong xuôi hết công việc, chỉ lên đường, rất tuyệt", Trang diễn tả. Đi qua 3 miền đất nước, cô gái cảm nhận được những nét đẹp riêng, đặc biệt là văn hóa Phật giáo. Thứ khác biệt mà cô cảm nhận rõ nhất là đồ ăn của mỗi vùng. Tuy nhiên, Trang cũng lưu ý mang thuốc đi ngoài để phòng ăn đồ không hợp. Đồ ăn Trang cảm thấy thích nhất là ẩm thực ở miền Trung, cay và ngọt, trong khi các bạn của cô thích đồ miền Tây Nam Bộ.
Trang cảm thấy may mắn khi hành trình suôn sẻ mặc dù vẫn xảy ra một số sự cố. Tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), nhóm của cô không may đặt phải phòng của một khu lưu trú không đồng nhất giá. Trước đó, nhóm đặt trên ứng dụng và cẩn thận liên lạc để thống nhất rằng thuê phòng cho 3 người. Tuy nhiên khi đến nơi, khu lưu trú lại nói rằng với giá như vậy chỉ có thể thuê được phòng cho 2 người. Ngoài ra, cả nhóm một lần bị thủng xăm xe khi đến TP Vinh (Nghệ An) và một lần đổ xe tại đường xuống mũi Cà Mau.
Điểm đến mà Trang ấn tượng nhất là cung đường biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là cung đường Ninh Thuận - Bình Thuận. "Thực sự rất đẹp. Cung đường uốn lượn với một bên là biển xanh ngắt, một bên là núi, cực kỳ hùng vĩ", Trang miêu tả. Địa điểm mà Trang thích nhất là đảo Phú Quý. Cô gái từng xem rất nhiều ảnh và bài giới thiệu về địa điểm này trên Internet và vỡ òa khi được nhìn tận mắt. Bộ ảnh chụp tại đảo Phú Quý với tên "Điểm dừng chân cho những kẻ lang thang" sau đó được Trang đăng tải lên các nhóm yêu du lịch, thu về gần 5.000 lượt yêu thích.
Trang khuyên, tháng 3 là thời điểm thích hợp để thực hiện đi xuyên Việt do miền Bắc trong thời kỳ mát mẻ, không quá lạnh còn miền Trung chưa bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm. Miền Nam đang trong những tháng cuối cùng của mùa khô. 22 ngày khám phá, cả nhóm chưa một lần phải mặc áo mưa do thời tiết khô ráo, nắng đẹp. Trang tự ước tính cả nhóm đã đi được khoảng 4.000 km.
Chuyến đi giúp cô gái 23 tuổi có cái nhìn khác hơn về cuộc sống. Trên đường đi, Trang gặp nhiều mảnh đời khó khăn, vất vả. Như ở Mũi Cà Mau, Trang trò chuyện với một người bán vé số. Người đàn ông chia sẻ đi mời mọi người mua cả ngày mà một tờ vé số chỉ lãi vài trăm đồng. "Nếu sau này mệt mỏi, chán nản với cuộc sống thì sẽ nghĩ về những chuyện đã gặp trên đường đi để biết cuộc sống mình còn tốt hơn rất nhiều người ngoài kia. Mình đang ổn và mình phải quý trọng", Trang nói.
Đó là cũng là lý do cô mô tả chuyến đi là "hơn một hành trình" do cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Ngoài ra Trang cũng hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều điểm đẹp của quê hương. "Việt Nam mình quá đẹp, thực sự rất đẹp", Trang thốt lên.
Trong tương lai, Phạm Trang dự định khám phá nốt phần còn lại của Việt Nam là Tây Nguyên.
Lịch trình 22 ngày xuyên Việt của Phạm Trang: Ngày 1: Hà Nội - TP Vinh (Nghệ An) |
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC