Chiều 30/6, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết đã yêu cầu hai doanh nghiệp đưa người đi làm việc phối hợp với chủ tàu, cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân, giải quyết quyền lợi, chế độ cho người lao động tử vong.
Hai công ty phải lo hậu sự, đưa thi hài hoặc di cốt về nước; liên hệ với người nhà để báo tin, ổn định tâm lý và hỗ trợ gia đình. Lao động bị thương hoặc đang làm việc nếu có nguyện vọng về nước sẽ được các bên liên quan bố trí đưa đón.
Trong quá trình xử lý, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan để được hỗ trợ.
Một ngày trước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với giới chức Jordan, đề nghị nhanh chóng điều tra nguyên nhân vụ nổ, hướng dẫn xử lý các thủ tục hậu sự đối với nạn nhân tử vong. Ông cũng đề nghị Jordan hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam bảo hộ, giúp đỡ công dân gặp nạn.
Ba ngày trước, vụ nổ khí độc ở cảng Aqaba (Jordan) khiến 13 người thiệt mạng, 251 người bị thương, trong đó có 12 lao động Việt Nam (5 người tử vong và 7 người bị thương). Họ là thuyền viên làm việc trên tàu Forest 6, số hiệu VRUK3, xuất xứ Hong Kong.
Theo quy định, lao động tử vong trong thời gian làm việc ở nước ngoài thì thân nhân nhận hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước. Lao động về nước trước thời hạn do tai nạn lao động, rủi ro, ốm đau, bệnh tật không còn khả năng làm việc tiếp, được hỗ trợ 10 - 30 triệu đồng mỗi trường hợp.
Việt Nam hiện có khoảng 580.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong các lĩnh vực cơ khí, nông nghiệp, thủy sản, thuyền viên tàu cá, điều dưỡng...
Hồng Chiêu