Vẫy quốc kỳ trên đầu, gương mặt phấn khích, Yao Miao chạy nước rút qua đám đông dày đặc đang đứng cổ vũ dọc các con phố ở vùng Chamonix, Pháp. Đó là ngày 2/9/2018. Nữ runner 23 tuổi này chuẩn bị về nhất tại Ultra Trail du Mont Blance (UTMB), một trong những giải chạy đường mòn danh tiếng nhất thế giới, cự ly 62 dặm (gần 100 kilomet).
Yao về đích với thành tích 11 giờ 57 phút 46 giây. Katie Schide, người Mỹ, về nhì với thành tích chậm hơn 30 phút.
Dù UTMB nổi tiếng với những cung đường trên cao, thời tiết khắc nghiệt, cử chỉ và cách Yao sải bước đều cho thấy cô không có dấu hiệu xuống sức. Yao giữ nguyên tốc độ cho đến khi vượt qua vạch đích như muốn lao vào đội ngũ nhiếp ảnh gia rồi tiếp tục tiến vào núi Alps.
Khi dừng lại, Yao cảm thấy xấu hổ trước sự chú ý mọi người dành cho cô và vẫy tay chào một cách rụt rè.
Đám đông người Pháp yêu mến Yao. Chân chạy vô danh người Trung Quốc này chiến thắng theo cách mạnh mẽ, vượt lên dẫn đầu cự ly dành cho nữ ngay từ những giây đầu tiên, vượt kỷ lục cũ gần 20 phút. Cô không lọt vào danh sách 10 người nhanh nhất UTMB, gồm cả nam lẫn nữ, do không thể về đích sớm hơn 5 phút.
Hai tháng sau, Yao đứng đầu bảng xếp hạng Ultra Trail World Tour (UTWT) 2018, gồm hàng loạt giải chạy cự ly trên 100 kilomet với địa hình và độ khó khác nhau, thành tích phi thường đối với một tân binh.
Giờ đây, tại vạch xuất phát, các VĐV elite trên thế giới đã biết đến Yao và ngưỡng mộ cô. Salomon International Team nhanh chóng tiếp cận và mời cô tham gia đội chuyên nghiệp với mức lương hấp dẫn cùng cơ hội được chạy trên khắp thế giới.
Chỉ ba năm trước, du lịch nước ngoài và chiến thắng những giải chạy đường mòn lớn nhất thế giới chỉ là ước mơ hão huyền đối với Yao. Cô nghèo khó và phải đi học việc tại tiệm làm đẹp của chị gái ở một thành phố nhỏ tại miền đông Trung Quốc. Tương lai mờ mịt. Runner này không có HLV, không được tài trợ, không có đường tập chạy phù hợp. Tuy nhiên, Yao biết chắc một điều. Cô có thể chạy. Điều Yao chưa khám phá ra lúc đó là cô có thể thống trị môn thể thao này.
Tuổi thơ nghèo khó
Yao Miao sinh năm 1996 tại một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, và là con út trong sáu chị em. Khi còn nhỏ, Yao thường giúp gia đình công việc đồng áng sau giờ học và không hề biết đến chạy bộ.
16 tuổi, tất cả học sinh trong lớp của Yao đều phải tham gia chạy 4 dặm (6,4 kilomet) do "ti zhi", hệ thống thể thao toàn quốc Trung Quốc, tổ chức. "Ti zhi" Trung Quốc lấy ý tưởng từ Liên Xô. Đây là một chương trình toàn quốc giúp chọn lọc VĐV tài năng còn trẻ tuổi, đưa họ đến các trường thể thao nội trú để bồi dưỡng để trở thành nhà vô địch. Những người được chọn sẽ chú tâm vào tập luyện và thi đấu, lên lớp và các bài kiểm tra chỉ mang tính hình thức.
"Ti zhi" áp đặt sự kiểm soát lên VĐV, và trong hệ thống này, việc chỉ trích hoặc bất đồng với huấn luyện viên là không thể.
Yao nổi bật trong các lần chạy, có thể là do vóc dáng bởi thành tích của nữ sinh 16 tuổi này chỉ ở mức trung bình. Yao được chuyển tới một trường thể thao nội trú tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu.
"Những học sinh khác không quan tâm tôi – tôi không có gì đặc biệt", Yao kể lại. Cô sống nội tâm, im lặng và cảm thấy không có triển vọng thành công trong học tập cũng như thể thao, không có tính cách đáng yêu hay ngoại hình đẹp. Yao chỉ có một lý do duy nhất để tiếp tục. "Học và tập luyện ở đây vẫn tốt hơn là làm nông dân ở làng".
Yao nghiêm túc thực hiện các bài chạy 5.000 mét và 10.000 mét như HLV yêu cầu nhưng so với kết quả tiêu chuẩn, cô "quá chậm", thành tích tốt nhất ở hai cự ly trên lần lượt là 18 phút và 38 phút. Yao thử sức với marathon, kỷ lục cá nhân là 2 giờ 59 phút – kết quả mà phần lớn runner sẽ vui mừng – nhưng vẫn kém xa tiêu chuẩn 2 giờ 40 phút để được lên đội chuyên nghiệp.
"Không đội chuyên nghiệp nào muốn nhận tôi, và tôi cũng không có tiền để học đại học", Yao kể lại. "Tôi thấy mình vô dụng. Tôi không có học thức, không có kỹ năng, không có tiền và không có sinh kế. Tôi đã thất bại dù mới chỉ 20 tuổi. Ngoài chạy, tôi không thể làm gì khác. Tôi không có tương lai".
Tại Trung Quốc, hầu hết trường hợp tương tự Yao sẽ trở thành công nhân tại các thành phố với mức lương thấp. Tuy nhiên, một trong những người chị của Yao mở tiệm làm đẹp trong một thị trấn ở tỉnh Chiết Giang đã nhận em út về học nghề.
Tuy nhiên, Yao không hứng thú với việc gắn mi giả và sơn móng tay. Dù bị chê quá chậm để tham gia đội chạy chuyên nghiệp, cô vẫn tin chạy bộ là con đường duy nhất có thể thể hiện bản thân.
Nữ runner này gặp may bởi vào năm 2016, xu hướng chạy bộ đường siêu dài (ultra-running) ở Trung Quốc bùng nổ. Nhà chức trách Trung Quốc tổ chức các cuộc chạy đua đường siêu dài để thu hút người tham gia, giải thưởng lên đến 6.000 USD - tương đương gần một năm thu nhập ở vùng nông thôn Quý Châu.
Chạy bộ đường siêu dài và chạy bộ đường mòn (chạy trail) còn mới mẻ ở Trung Quốc, số lượng VĐV nữ có thực lực chưa nhiều, và Yao, với nền tảng từ "Ti zhi", đủ khả năng để bứt phá.
"Tôi dậy từ 5h và chạy trước khi đi làm. Tôi không có HLV, chỉ tập chạy marathon như thời còn ở trường nội trú", Yao nói.
Lần tham gia đầu tiên, Yao chọn cự ly 100 kilomet tại giải tổ chức ở thành phố Trương Dịch, rìa phía bắc cao nguyên Tây Tạng, với giải thưởng cho người về nhất là gần 5.000 USD.
"Tôi dùng những đồng tiền cuối cùng để mua vé tàu loại rẻ nhất – ngồi ghế cứng trong 33 giờ".
Yao quên tính toán thời gian để thích nghi với không khí loãng ở Trương Dịch, độ cao trung bình của cung đường đua là trên 3 kilomet. Không quen khí hậu, Yao bị say độ cao và tiêu chảy trong cuộc đua, phải bỏ cuộc.
"Tôi trở về nhà và càng cảm thấy vô dụng hơn, nhưng vẫn tiếp tục chạy bộ. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi chạy để sống, làm kế sinh nhai", cô kể.
"Canh bạc" kế tiếp của Yao còn khó khăn hơn – giải Gongga 100 năm 2016 tại vùng Tây Tạng. Đường chạy ở trên độ cao 2,4 – 4,5 kilomet, thường xuyên nằm trong sương giá và tuyết bao phủ những con đường đèo. Tổng độ dốc phải leo và đổ là hơn 9,7 kilomet.
Yao cảm thấy bồn chồn trước tiếng súng xuất phát.
"Tôi không chắc có thể hoàn thành cự ly này. Tôi chưa từng chạy xa như vậy", Yao nói. Gongga 100 là một cuộc chiến tổng lực và một lần nữa, cô lại bị say độ cao. Cô dùng hai từ để mô tả lại, "tử" và "kháng" – tức "cái chết" và "sự kháng cự". Hoàn thành cuộc đua "giống như sống chết" với runner. Yao còn làm được nhiều hơn cả "kháng": chiến thắng và mang về giải thưởng 5.000 USD.
Tràn đầy tự tin, Yao dần thống trị mảng chạy đường siêu dài, tham gia nhiều giải nhất có thể. "Tôi thắng mọi giải tổ chức ở Trung Quốc sau đó. Bảy lần về nhất và một lần về nhì – do bị ốm, tôi nghĩ vậy, trong vòng chưa đến một năm.
Cô gái 26 tuổi này quyết định rời tiệm làm đẹp của chị và chuyển đến Quý Châu, ở chung phòng với 4 VĐV khác cũng xuất thân từ hệ thống thể thao quốc gia.
Cuối năm 2016, tại một giải chạy cự ly 48 kilomet ở Quý Châu, Yao gặp runner Qi Min. Chàng trai 26 tuổi này từng hoàn thành marathon với thành tích 2 giờ 16 phút và cũng đến từ một làng nhỏ trên núi. Khi đó, anh vừa rời khỏi hệ thống trường thể thao quốc gia có tính kiểm soát để đến với chạy đường mòn tự do. Qi cũng thành công trong chạy đường siêu dài ở Trung Quốc, liên tục về nhất và nhận thưởng.
Qi nhanh chóng chinh phục được Yao, trở thành bạn trai, người cùng tập luyện và HLV cho cô. Khi được hỏi điều gì ở Qi đã cuốn hút Yao, cô đỏ mặt. "Không phải vì anh ấy chạy nhanh hay đẹp trai. Anh ấy có vẻ còn là một người tốt".
Năm 2017, hai người chuyển tới Dali – thị trấn nhỏ, cổ kính ở tây nam Trung Quốc, nằm giữa một hồ lớn và núi Thương Sơn cao hơn 4.800 mét. Với độ cao cơ sở trên 1.800 mét, Dali không quá nóng vào mùa hè, không quá lạnh vào mùa đông – môi trường gần như lý tưởng để tập luyện.
Cuộc sống dần trở nên tốt đẹp hơn, có thể coi là hoàn hảo, với cặp VĐV chạy đường mòn. Họ ngập trong tiền thưởng, được Garmin và The North Face tài trợ, tập luyện theo đúng mong muốn và có các giải ở nước ngoài – do nhà tài trợ chi trả - để nhắm đến. Họ tiết kiệm toàn bộ tiền thưởng vì hiểu rõ một chấn thương cũng có thể xóa bỏ nguồn thu nhập duy nhất.
Tháng 1/2018, Qi và Yao lần đầu tiên rời khỏi đại lục để tham gia Vibram Hong Kong 100, một trong những giải đường núi siêu dài danh tiếng ở châu Á, thu hút hơn 1.000 người trên thế giới tham gia.
Yao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hong Kong: về nhất và vượt kỷ lục trước đó của nữ 40 phút, xếp thứ tám chung cuộc. "Thật đáng sợ", Qi mô tả. Yao chạy 30 dặm đầu (hơn 48 kilomet) nhanh hơn cả Francois D’haene, VĐV Pháp giữ kỷ lục cự ly này khi đó.
Tuy nhiên, thay vì được công nhận, Yao lại phải đối mặt với sự hoài nghi từ cộng đồng chạy bộ đường siêu dài. Chạy đường mòn cực kỳ phổ biến ở vùng núi Hong Kong, nhiều người địa phương lên mạng xã hội để cáo buộc Yao và Qi – cũng vô địch và thiết lập kỷ lục mới của nam – dùng chất kích thích.
Yao phủ nhận. "Tôi tức giận nhưng biết làm gì được?", cô nhún vai nói.
Ngoài cáo buộc dùng chất kích thích, có một số chỉ trích dường như đúng với thực tế.
"Theo tôi, các vận động viên Trung Quốc khá nôn nóng có thành tích", Gediminas Grinius, ultrarunner người Litva thường xuyên dự các giải ở Trung Quốc, nói với South China Morning Post. "Vấn đề chính của họ là thiếu kinh nghiệm và không biết cách chuẩn bị".
Nhận định của Grinius không hề sai. Tháng 6/2018, tại giải Lavaredo Ultra Trail 75 dặm (khoảng 120 kilomet), Yao lập tức bứt lên dẫn đầu, nhưng cô dần nhận ra có điều gì đó không đúng. Nữ runner này không ăn gì trên đường đua, ít uống nước tại các điểm dừng và quan trọng nhất là không đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi nắng gắt.
"Tôi mất dần thị lực ở điểm dừng thứ sáu. Tôi không thể nhìn thấy mặt đường. Tôi muốn rút lui nhưng nghĩ về số tiền các nhà tài trợ đã chi cho tôi và lại tiếp tục", cô nhớ lại. "Ở lần đổ dốc cuối cùng, tôi như bị mù. Một VĐV vượt qua, nhưng tôi lúc đó không chắc người đó là nam hay nữ".
Kết quả, Yao về nhì, sau vận động viên người Mỹ Kelly Wolf. Ở nhóm nam, Qi vươn lên dẫn đầu rồi phải dừng cuộc đua ở kilomet 80. Anh cũng không ăn gì tại các điểm dừng.
Không ai phủ nhận cặp Qi - Yao rất nhanh, nhưng cộng đồng chạy bộ coi họ chỉ là những runner đường trường được "sản xuất hàng loạt" với thế mạnh duy nhất là tốc độ.
"Đúng là chúng tôi không hiểu nhiều về chạy đường mòn, chúng tôi không thể thích nghi", Yao nói. "Nhưng chạy nhiều thì bạn sẽ học hỏi được thêm".
Con đường đến thành công
Một tháng trước UTMB hồi tháng 9/2018, Yao và Qi tới Chamonix để bổ sung thêm kiến thức về chạy đường mòn bằng cách xem hình các runner phương Tây, và áp dụng những gì họ học được trên đường mòn núi Alps.
Hai người mua gậy chạy và tập dùng chúng khi lên dốc và xuống dốc. Ở Trung Quốc, Yao thường sử dụng một khúc gỗ cô nhặt ven đường. Họ cũng tập ăn gel hoặc thanh năng lượng, nhưng dạ dày vẫn chưa quen hẳn. Tổng cộng, Yao đã chạy trước ba lần cung CCC (Courmayeur-Champex-Chamonix) của UTMB.
Ngày diễn ra giải, Yao và Qi đều gắng hết sức ngay từ những kilomet đầu tiên. Các nhà bình luận lại trông chờ các VĐV Trung Quốc thất bại trước những runner đường mòn dày dạn đến từ châu Âu và Mỹ. Nhưng mọi chuyện lại khác. Yao phá kỷ lục của nữ, trong khi Qi về nhì, chỉ bị vượt ở vài kilomet cuối.
Yao chỉ cho phép cảm xúc của cô bộc lộ trong một email gửi Kyle Obermann, một người bạn kiêm nhiếp ảnh gia tại Trung Quốc. Email này có đoạn: "Tôi muốn chứng tỏ rằng các VĐV chạy đường mòn Trung Quốc xứng đáng đứng đầu..., đứng vị trí cao nhất trên bục nhận giải UTMB để khiến những người cho rằng chúng tôi không đủ tư cách tham gia phải im lặng".
Obermann, cũng là runner, đã ghi lại toàn bộ sự nghiệp của Yao từ khi bắt đầu. Nhiếp ảnh gia này kể: "Yao đã đạt điều mong muốn, bởi cô ấy có sức mạnh tinh thần. Yao biết cách đối phó bằng những gì cô ấy có. Sự can đảm của cô ấy thật phi thường".
Chiến thắng tại UTMB đã dập tắt mọi nghi ngờ về Yao. Salomon, thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng của châu Âu, nhanh chóng ký hợp đồng với cả Qi và Yao. Hai người này trở thành những VĐV Trung Quốc đầu tiên tham gia vào nhóm ưu tú (elite) quốc tế của Salomon.
Hệ thống thể thao quốc gia Trung Quốc, cũng không chịu kém cạnh, và mời Yao quay trở lại vô điều kiện. Tất cả những gì cô cần làm là di chuyển, được đài thọ mọi chi phí, và tham gia các giải marathon lớn ở Trung Quốc với tư cách là elite. Yao đồng ý và đang cạnh tranh để vào đội tuyển quốc gia.
Mùa hè năm nay, Yao muốn thử sức ở cự ly 100 dặm (160 kilomet) lần đầu tiên tại UTMB. Khi được hỏi về mục tiêu, Yao cho biết cô "chỉ muốn về đích". "Yao muốn chiến thắng UTMB với một kỷ lục mới, sau đó thiết lập kỷ lục tại cả bốn cự ly UTMB, và được chọn vào đội tuyển marathon quốc gia", Qi chia sẻ thêm.
Có thể dễ dàng thấy nguyên nhân giúp Yao tiến bộ nhanh chóng khi chứng kiến một buổi tập chạy nhanh 10 dặm (16 kilomet) của cô. Mỗi lần tập đều là cuộc chiến nhằm đuổi kịp Qi. Hai người luôn chạy cùng nhau, tích lũy khoảng 130 dặm (gần 210 kilomet) mỗi tuần - gồm chạy đường dài và chạy biến tốc. Thời gian còn lại họ dành cho việc phục hồi, chủ yếu là ngủ.
Yao vẫn chỉ là một cô gái làng quê miền núi. Với cô, chạy bộ là cách thoát khỏi một cuộc sống không mong muốn. Khi được hỏi có yêu chạy bộ hay không, sự bối rối hiện rõ trên gương mặt Yao.
"Chạy đường dài rất vất vả, khổ sở", Yao trả lời. "Đó là công việc của tôi. Mọi người đều phải đi làm".
Nếu chỉ là công việc, liệu nó có kết thúc? Yao có tận hưởng thời gian đó không? Cô ngập ngừng một chút rồi mỉm cười.
"Tôi thích chạy bộ. Chạy bộ mang lại cho tôi cảm giác hoàn thành việc gì đó".
Như Tâm (theo Runner's World)