Sau bài viết 'Quyển sổ Nam Tào' giúp tôi phản đòn sếp một số độc giả chia sẻ cách đối phó khi sếp ra lệnh miệng:
Có lần sếp phòng tôi yêu cầu nhân viên kí hóa đơn thanh toán cho cơ quan. Nhưng thực ra là khoản buộc phải kí để cơ quan dàn xếp các khoản thu chi khác, chứ tôi không có được hưởng đồng nào trong đó.
Tôi đồng ý kí giúp cơ quan để sếp hợp lý hóa thu chi, nhưng ngồi luôn tại chỗ, rút quyển sổ ghi chép ra ghi lại tất cả khoản tiền, số hóa đơn chứng từ. Sếp nhìn thấy tôi cặm cụi ghi lại những thứ đó, không nói gì, nhưng lần sau không dám nhờ làm mấy cái vụ đó nữa.
Tôi làm trong trường đại học y khoa lớn ở Mỹ. Những khi cấp trên kêu làm gì không đúng quy định bằng miệng, thì tôi sẽ email người đó đồng thời chuyển tiếp người cấp trên cao hơn. Email này dùng làm bằng chứng tôi không tự ý làm. Đôi khi cấp trên có thái độ không thích chuyện email này, tôi trả lời rằng email này của trường nếu không thích thì đề nghị trường bỏ email, nếu không thích chuyện tôi email thì hãy họp hội đồng quản lý.
Sự thật là sự thật, ai muốn phá nội quy thì mới sợ sự thật. Nội quy được xây dựng dựa trên pháp luật, nếu làm sai nội quy có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và email của trường cũng là một dụng cụ quản lý nội quy.
Độc giả Thanh Cuong Nguyenchia sẻ trường hợp bị liên lụy khi nhắm mắt làm theo lời sếp:
Công ty tôi có một CEO người nước ngoài (làm thuê chứ không phải ông chủ), thường ra lệnh miệng mà không bao giờ gửi mail chỉ đạo nhân viên. Sau một thời gian, vị CEO này bị đuổi và những nhân viên làm theo chỉ đạo miệng cũng bị vạ lây vì không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh sếp cũ chỉ đạo.
Tôi biết về hoạt động của một công ty ở nước ngoài. Khi sếp và các nhân viên cùng đi thực tế ở hiện trường. Nếu sếp chỉ đạo miệng thì có thư ký ghi chép, sau đó sẽ làm một biên bản cho sếp ký chứng nhận việc đã chỉ đạo.
Độc giả TaRo chia sẻ: "Tôi có người em phải về hưu sớm với lý do: Sếp bắt kê giá cao hơn khi mua hàng cho công ty".
Độc giả Minh Nguyên đúc kết: Sếp có tính nhập nhèm, mánh khóe sẽ không thích lính là người năng lực tốt, bản lĩnh, xử lý vấn đề kỹ càng đâu. Bởi vậy, sếp - lính phải hợp nhau mới bền là vậy. Sếp nào lính nấy cũng chẳng sai.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.